Nguyên nhân dẫn đến việc các ngân hàng nhỏ liên tục báo lỗ trong quý IV/2021 là do tăng cường trích lục dự phòng rủi ro, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
Saigonbank (SGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021. Theo đó, với khoản thu lớn từ việc thoái vốn, tổng thu nhập của Saigonbank đã tăng gần 53% trong quý IV. Tuy nhiên, lỗ hợp nhất trước thuế của ngân hàng đã đạt mức hơn 40 tỷ đồng, giảm so với con số lỗ 56 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2020.
PG Bank (PGB) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, với lợi nhuận trước thuế trong quý này của ngân hàng giảm 29,2% so với cùng kỳ.
Tại Bac A Bank (BAB), báo cáo tài chính quý IV/2021 cho thấy, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt 206 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý cuối năm của Bac A Bank giảm 7,7% xuống 554 tỷ đồng nhưng các khoản thu nhập ngoài lãi tăng gần gấp đôi lên hơn 178 tỷ đồng.
Viet Capital Bank (BVB) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với lỗ trước thuế lên tới 74 tỷ đồng. Trong quý IV/2021, tín dụng của Viet Capital Bank tăng trưởng tốt, tăng 16,5% song các hoạt động ngoài lãi tăng không đáng kể.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2021 của NCB, ngân hàng này cũng lỗ hơn 203 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, thu nhập lãi thuần trong quý IV/2021 của ngân hàng đạt 171 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ. Lãi từ dịch vụ đạt 42 tỷ đồng, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 2,7 lần, ở mức 269 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác cũng tăng 2 lần lên 25 tỷ đồng.
Việc lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng âm thậm chí lỗ trong quý IV không gây nhiều bất ngờ cho thị trường và giới phân tích. Nguyên nhân dẫn đến các ngân hàng nhỏ này liên tục báo lỗ là do tăng cường dồn trích lục dự phòng rủi ro. Theo các chuyên gia, tăng cường khả năng phòng thủ mới là mục tiêu hàng đầu của ngành ngân hàng trong bối cảnh nguy cơ bùng phát nợ xấu do dịch bệnh vẫn còn hiện hữu.
Theo đó, Saigonbank đã trích 113 tỷ cho chi phí dự phòng rủi ro, dẫn đến việc lỗ hơn 40 tỷ trong quý IV/2021. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2021, ngân hàng vẫn lãi trước thuế 154 tỷ do kết quả kinh doanh tích cực trong 3 quý trước đó.
Tại PG Bank, ngân hàng dồn trích lập vào quý cuối cùng của năm 2021 (gần 82 tỷ), trong khi 9 tháng đầu năm chỉ trích lập 93 tỷ đồng kéo theo lợi nhuận giảm trong quý IV.
Tại Bac A Bank, mặc dù lợi nhuận ròng trong quý IV/2021 ghi nhận tăng trưởng hơn 37% nhưng chi phí dự phòng tăng mạnh đã kéo lợi nhuận trước thuế của Bac A Bank giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng này đã nâng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng thêm 29% lên mức 1.060 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này tiếp tục cải thiện từ mức 130,8% lên 161,7%.
Viet Capital Bank cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 35% so với cùng kỳ năm 2020, đạt mức 128 tỷ đồng khiến lãi sau thuế chỉ tăng nhẹ trong năm 2021.
Tại NCB, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là hơn 97 tỷ đồng, gấp 10 lần quý cuối năm trước kéo theo lợi nhuận trước thuế năm 2021 chỉ đạt vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, chi phí dự phòng đảm bảo cho các khoản nợ xấu phát sinh do dịch COVID-19 không chỉ là tăng sự thận trọng, mà còn là bộ đệm dự phòng cho những biến cố có thể xảy ra trong năm 2022.
"Chúng tôi tăng cường sự thận trọng, để nếu năm 2022 có những biến cố thì Ngân hàng vẫn có bộ đệm dự phòng tốt," lãnh đạo Viet Capital Bank khẳng định.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng mới đây, các chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, hệ thống ngân hàng đang có sự phân hóa mạnh về chất lượng tín dụng. Rủi ro đối với các ngân hàng yếu kém, có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng.
SSI cho rằng, dù thông tư 14 về cơ cấu nợ xấu có được gia hạn hay không thì các ngân hàng tốt sẽ vẫn có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu. Bộ đệm tín dụng tốt sẽ giúp ngân hàng tránh được những những cú sốc đột ngột trong bảng cân đối kế toán.
VN-Index vượt 1.230 điểm, một doanh nghiệp bị bán 40% vốn
Ngân hàng cảnh báo 5 chiêu trò giả mạo, người dùng Android cần đặc biệt lưu ý