Không chỉ riêng Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với giá xăng dầu tăng cao nhưng do áp các loại thuế khác nhau nên có các mức giá bán lẻ khác nhau.
Giá xăng Việt Nam xếp thứ mấy?
Theo bảng cập nhật đến ngày 30/5 của Global Petrol Prices, giá xăng ở Venezuela vẫn rẻ nhất thế giới, chỉ 0,022 USD/lít (hơn 500 đồng/lít), rẻ hơn cả nước lọc. Tiếp đó là các quốc gia giàu dầu mỏ Libya, Iran, Syria, Kuwait, Angola, Nigeria…
Ở Đông Nam Á, Malaysia là quốc gia có giá xăng bán lẻ rẻ nhất với giá 0,470 USD/lít (10.810 đồng/lít), tiếp đó là Indonesia với giá 1,203 USD/lít. Trong khi đó, Singapore có giá xăng cao ngất ngưởng 2,26 USD/lít (52.000 đồng/lít).
Theo bảng xếp hạng này, giá xăng của Việt Nam là 1,389 USD/lít, thấp thứ 84 trên thế giới. So với các quốc gia láng giềng như Campuchia với giá 1,392 USD/lít và Trung Quốc với giá 1,4 USD/lít, Lào với giá 1,654 USD/lít, giá xăng của Việt Nam vẫn rẻ hơn.
Ngoài ra, so với các nước trong khu vực như Philippines (1,488 USD/lít), Thái Lan (1,506 USD/lít), xăng tại Việt Nam vẫn bán ra thấp hơn.
Châu Âu là nơi có giá xăng cao nhất trên 2 USD/lít. Điển hình như Italy có giá 2,055 USD/lít, Pháp có giá 2,13 USD/lít, Bỉ là 2,139 USD/lít, Anh là 2,157 USD/lít, Đức có giá 2,322 USD/lít…
Hồng Kông là nơi có giá xăng đắt nhất thế giới khi ở mức 2,961 USD/lít, tương đương 68.700 đồng/lít. Tiếp đến là Na Uy với 2,826 USD/lít, Đan Mạch 2,647 USD/lít…
Các nước đang kiểm soát giá bán lẻ xăng dầu ra sao?
Mức độ can thiệp của nhà nước vào thị trường năng lượng ở các nước là khác nhau. Có nhiều hình thức tổ chức thị trường nhiên liệu cũng như phương pháp định giá. Dù mỗi nước có đặc điểm thị trường riêng, nhưng tựu trung lại, có 3 phương pháp chính để xác định giá bán lẻ nhiên liệu.
Thứ nhất là do thị trường định giá. Kiểu định giá này là điển hình cho kiểu tự do hóa thị trường nhiên liệu. Ở các nước có thị trường này, sự can thiệp của nhà nước chỉ giới hạn ở việc thiết lập điều khoản và điều kiện để thúc đẩy thị trường minh bạch và tự do cạnh tranh. Các nhà bán lẻ nhiên liệu tự đặt ra giá bán của mình mà không có hạn chế nào. Do đó, giá nhiên liệu ở mỗi trạm xăng, mỗi vùng đều khác nhau.
Hình thức này chiếm 60% trong tổng số 97 nước, vùng lãnh thổ mà Global Petrol Prices thống kê, phổ biến ở các nước có nền kinh tế phát triển như Canada, Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand và hầu hết nước châu Âu. Tuy nhiên, một số nước như Afghanistan, Uganda và Kyrgyzstan cũng áp dụng hình thức này.
Hai là áp giá trần. Theo hình thức định giá này, các nhà bán lẻ nhiên liệu cũng được tự do xác định giá bán của họ miễn là không vượt quá mức giá trần quy định. Chính phủ can thiệp vào giá bán lẻ nhiên liệu bằng cách thiết lập mức giá tối đa cho các sản phẩm xăng dầu và được sửa đổi theo quy định. Mục đích của hình thức này là kiểm soát giá để bảo vệ người tiêu dùng trước những biến động tăng giá đột ngột hoặc giá thị trường tăng cao bất hợp lý. Việt Nam, Trung Quốc, Bỉ, Mexico… đang áp dụng hình thức này.
Thứ 3 là giá cố định. Đây là hình thức kiểm soát giá chặt chẽ nhất của chính phủ khi ấn định giá bán lẻ nhiên liệu ở mức cố định. Tất cả nhà bán lẻ buộc phải bán ở mức giá này. Hình thức này đang được các nước như Malaysia, Indonesia, Sri Lanka, Ai Cập… áp dụng.
Theo cập nhật đến ngày 30/5 của trang Global Petrol Prices, giá xăng Octan 95 trung bình trên thế giới hiện ở mức 1,41 USD/lít (tức 32.712 đồng/lít). Tuy nhiên, giá bán lẻ giữa các nước có sự khác biệt đáng kể. Về nguyên tắc chung, giá xăng ở các nước giàu bao giờ cũng cao hơn so với các nước nghèo và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu bao giờ cũng có giá thấp hơn đáng kể.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ đáng chú ý là ở Mỹ, nền kinh tế phát triển nhưng lại có giá thấp. Đó là do giữa các quốc gia có mức thuế và trợ cấp giá xăng dầu khác nhau.
Do đó, dù giá xăng trung bình trên toàn quốc ở Mỹ hôm 30/5 là 4,62 USD/gallon, tương đương 1,22 USD/lít (28.000 đồng/lít), mức cao kỷ lục mới, nhưng tại California, giá xăng bán lẻ ở bang này lại lên đến 6,07 USD/gallon (1,6 USD/lít, tương đương khoảng 36.800 đồng/lít), theo dữ liệu từ Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA).