Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,5-7,5% một năm vào giai đoạn 2031-2050 và GDP bình quân đầu người đến 2050 khoảng 27.000 - 32.000 USD.
Sáng 5/1, phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng, trình bày tờ trình Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác quy hoạch, song báo cáo Chính phủ đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém khi không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính. Liên kết vùng còn bất cập, đầu tư dàn trải, chưa hình thành khung kết cấu hạ tầng, đô thị phân bổ chưa hợp lý, ô nhiễm môi trường…
Nguyên nhân được Chính phủ nhìn nhận, do tư duy phát triển còn dàn trải, thiếu trọng tâm. "Thiếu quy hoạch mang tính tổng thể, thiếu cơ chế, chính sách và chưa dành nguồn lực thích đáng để đầu tư hình thành khung kết cấu hạ tầng quốc gia...", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Do vậy, quy hoạch tổng thể quốc gia đưa ra quan điểm về tổ chức không gian phát triển hiệu quả, có trọng điểm, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tổ chức không gian gắn kết giữa khu vực đất liền và không gian biển…
Hai kịch bản tăng trưởng, phát triển được Chính phủ đưa ra tại báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Kịch bản thấp, mục tiêu GDP bình quân đạt 7% giai đoạn 2021-2030 và GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành khoảng 7.500 USD.
Kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5 - 7,5% một năm vào giai đoạn sau 2030, đến 2050. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD.
Năm 2022, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành khoảng 95,6 triệu đồng một người, tương đương hơn 4.100 USD, tăng gần 400 USD so với 2021.
Như vậy, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tới 2030 sẽ gấp gần 2 lần và tới năm 2050 gấp 8 lần so với thu nhập hiện nay.
Định hướng cụ thể về phát triển với các ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng Dũng cho hay sẽ tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ số, công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn. Mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vùng trung du.
Với ngành dịch vụ, sẽ xây dựng các trung tâm thương mại, tài chính... mang tầm khu vực và thế giới. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến. Tăng tỉ trọng thủy sản, trái cây, giảm tỉ trọng lúa gạo, nông nghiệp hữu cơ…
Về phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng, sẽ tập trung xây dựng đường bộ cao tốc có tính kết nối. Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển, cảng hàng không lớn, hạ tầng năng lượng…
Để thực hiện quy hoạch, Chính phủ đưa ra dự báo tổng nhu cầu, cơ cấu vốn đầu tư, giải pháp huy động nguồn lực, dự báo nhu cầu lao động, cùng các giải pháp, cơ chế chính sách. Về vấn đề này, trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay với mục tiêu tăng trưởng 7% giai đoạn 2021-2030 thì quy hoạch tổng thể quốc gia dự kiến cần 48,3 triệu tỉ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020.
Tuy vậy, cơ quan thẩm tra đánh giá: "Các giải pháp cơ chế, chính sách đưa ra còn chung chung, chưa mới, chưa đột phá”, nên đề nghị Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng, cân đối các giải pháp, nguồn lực để đảm bảo khả thi.
Ủy ban Kinh tế cũng nhận thấy nhu cầu về vốn đầu tư cho xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống ngập, úng, giao thông đường sắt… là rất lớn, trong khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý để bảo đảm tính khả thi cho các dự án.