Chuyên gia của Fulbright cho rằng, Việt Nam đang có nền tảng vĩ mô tốt hơn nhiều nền kinh tế mới nổi khác, đó là lợi thế trước những thay đổi của Fed.
Trong buổi hội thảo trực tuyến chủ đề “Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2021 và triển vọng cho 2022” sáng 22/1, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công và Quản lý Trường Đại học Fulbright đã đưa ra những cái nhìn tổng quan quá trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, đồng thời phân tích triển vọng kinh tế của năm 2022.
Theo đó, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tác động, ứng xử của Việt Nam là một điểm trọng tâm của hội thảo.
Chuyên gia của Fulbright cho biết: “Mục tiêu của Mỹ và nhiều nước phát triển là kiềm chế lạm phát ở mức 2% thì giờ đang là 7%. Để mà cứu kinh tế trong thời kỳ dịch COVID-19 này, cho đến tháng 11/2021, mỗi tháng Fed bơm ra thị trường 120 tỷ USD, đến thời điểm này đã bơm ra 4.500 tỷ USD. Fed mua vào trái phiếu để bơm tiền in ra. Ban đầu Fed nghĩ rằng lạm phát sẽ chỉ là vấn đề tình thế, nhưng từ sau tháng 11 Fed đã giảm dần mỗi tháng 15 tỷ USD. Như vậy đến tháng 6/2022, Fed sẽ không còn bơm tiền nữa và sau đó sẽ là tăng lãi suất, đó là kế hoạch ban đầu của Fed.”
Ông Thành nhận định, xét đến tiền lệ từ khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 12 năm, Fed không chỉ hạ lãi suất mà không ngừng bơm tiền ra nền kinh tế. Đến tháng 12/2021, thay đổi đã xảy ra, Fed đã quyết định làm mạnh tay hơn khi mà lạm phát không hề suy giảm, Fed tính toán rằng đứt gãy chuỗi cung ứng cũng không kết thúc được, ít nhất cho đến giữa năm 2022. Như vậy, Fed đã quyết định từ tháng 1/2022 giảm bơm tiền 30 tỷ USD/tháng, và dự kiến đến cuối tháng 3/2022 Fed đã tăng gấp đôi lộ trình giảm bơm tiền.
Để linh hoạt, Fed chưa nói đến thời điểm tăng lãi suất nhưng thực tế thị trường đang tin rằng việc tăng lãi suất sẽ diễn ra ngay sau khi các đợt bơm tiền kết thúc. Lãi suất điều hành của Fed trên thị trường liên ngân hàng đang là 0 - 0,25% và sau đợt nâng lãi suất tới đây, mức này sẽ là 0,25-0,5%. Bên cạnh đó, lãi suất dự kiến sẽ tăng 3 lần và mỗi bước tăng 0,25%.
“Tuy nhiên nếu đến giữa năm nay mà lạm phát vẫn không suy giảm, Fed nhiều khả năng sẽ có lần tăng lãi suất thứ 4”, chuyên gia của Fulbright nhận định.
Vị chuyên gia này còn cho biết thêm, trong phiên họp gần nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), một số thành viên đưa ra ý kiến không những tăng lãi suất mà thậm chí còn phải hút tiền về. Lần này, khi quy mô bơm tiền quá lớn, Fed nhiều khả năng phải tính đến hút tiền về.
Bảng cân đối kế toán của Fed đã “phình to” đến mức 9.000 tỷ USD, quy mô lớn nhất trong lịch sử, vì vậy thị trường tài chính toàn cầu mới có thanh khoản dồi dào đến như vậy.
Tại hội thảo, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cũng đưa ra một số kịch bản với nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Thành, kịch bản đầu tiền là Fed chỉ tăng lãi suất 3 lần nhưng chưa hút tiền về, thị trường tài chính sẽ không có phản ứng tiêu cực.
“Việc tăng lãi suất như vậy hầu như không ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, tác động chính của nó chủ yếu đến dòng vốn nước ngoài. Trong ngắn hạn với lịch sử những lần Fed tăng lãi suất, bao giờ dòng vốn vào các thị trường mới nổi cũng sẽ đảo chiều.
Tuy nhiên Việt Nam đang có yếu tố thuận lợi ở chỗ các yếu tố nền tảng vĩ mô tốt hơn, khác với nhiều nền kinh tế mới nổi khác đã buộc phải tăng lãi suất để giữ cho vĩ mô ổn định. Trong năm 2021, tiền vào chứng khoán chủ yếu là tiền trong nước chứ thực ra tiền nước ngoài trên thực tế chảy ra ngoài.”
Theo đó, ông Thành cho rằng không cần phải lo sợ dòng vốn chảy ra ngoài trong năm 2022, tuy nhiên cũng không kỳ vọng dòng vốn sẽ chảy vào, kể cả vốn đầu tư.
Theo một kịch bản khác, Fed sẽ phải tăng lãi suất nhiều lần hơn hoặc hút tiền về. Nếu kịch bản này xảy ra, không chỉ Mỹ mà nhiều thị trường trên toàn cầu sẽ diễn ra sự suy giảm lớn. Khi chứng khoán Mỹ và chứng khoán toàn cầu giảm, chứng khoán Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi việc này. Đồng thời, kịch bản này cũng sẽ đẩy Ngân hàng Nhà nước vào tình thế phải hành động nếu nhiều ngân hàng trung ương thế giới điều chỉnh lãi suất.
“Trung Quốc mới đây đã buộc phải hạ lãi suất, dù rằng con số tăng trưởng 8,1% trong năm 2021 vẫn rất lạc quan. Tuy nhiên, cũng phải hiểu rằng, đó là kết quả của sự phục hồi của nửa đầu năm chứ tăng trưởng suy giảm dần vào cuối năm, quý III là 4,9% còn quý IV chỉ là 4%”, ông Nguyễn Xuân Thành nhìn nhận.