VinFast: Hành trình 7 năm từ Zero tới Hero
Khởi đầu từ con số 0, vượt qua muôn vàn khó khăn cùng sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ lớn, VinFast đã chứng minh sức mạnh của quyết tâm và sáng tạo. Chỉ sau hơn 7 năm bước vào lĩnh vực sản xuất, VinFast đã vươn lên trở thành doanh nghiệp ô tô hàng đầu Việt Nam và khẳng định vị thế đáng nể trên trường quốc tế.
Ở thời điểm trước đó, không ít người đặt câu hỏi liệu Việt Nam có thể sản xuất ô tô mang thương hiệu riêng, nhất là khi nền công nghiệp ô tô trong nước vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Mặc dù vậy, dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, giấc mơ "xe ô tô Việt Nam" nhanh chóng được hiện thực hóa với những bước đi chiến lược.
Ngày 2/10/2018, VinFast đã chính thức ra mắt hai mẫu xe Sedan (Lux A 2.0) và SUV (Lux SA 2.0) tại Paris Motor Show 2018 - lần đầu tiên ghi tên Việt Nam lên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới. Sau triển lãm Paris một tháng, 3 mẫu xe Lux SA2.0, Lux A2.0 và Fadil đã chính thức được giới thiệu tới tay người dùng Việt vào tháng 11/2018.
Hành trình ban đầu không hề dễ dàng. Việc đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực đã tạo ra áp lực tài chính không nhỏ. Thêm vào đó, sự nghi ngờ của thị trường nội địa và cạnh tranh từ các thương hiệu quốc tế khiến VinFast đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, với sự kiên trì và chiến lược tiếp cận người tiêu dùng hợp lý, mẫu xe Fadil đã trở thành mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam, tạo tiền đề cho những bước tiến xa hơn.
Giai đoạn 2020 – 2021, COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường ô tô Việt Nam, song VinFast vẫn ghi nhận đà tăng trưởng. Năm 2020, VinFast đạt doanh số kỷ lục với gần 30.000 xe bán ra. Sang năm 2021, con số này là 35.723 chiếc. Cột mốc trên mà hãng xe Việt đạt được chỉ với 3 dòng xe chủ lực là VinFast Fadil, Lux A2.0 và Lux SA 2.0. Tại thời điểm cuối năm 2021, VinFast chiếm 12% thị phần và trở thành thương hiệu ô tô phổ biến thứ 4 tại Việt Nam.
Xe xăng giống như một màn chào sân ấn tượng của VinFast, là thông điệp cho cả thị trường Việt Nam và toàn cầu biết rõ về năng lực sản xuất những mẫu xe đẳng cấp của hãng. Tuy nhiên, đó chưa phải tương lai VinFast hướng tới…
Tháng 1/2022, tại triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới CES 2022, VinFast lần đầu tiên giới thiệu 5 mẫu xe điện SUV (VF 5, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9), đồng thời tiết lộ kế hoạch dừng hoàn toàn việc sản xuất xe xăng để chuyển sang xe điện.
Đến tháng 7/2022, VinFast chính thức công bố dừng sản xuất hoàn toàn các dòng xe xăng để tập trung phát triển xe điện. Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Vingroup, cho biết công ty sẽ tập trung hoàn toàn vào xe điện vì đây là cơ hội lớn cho VinFast tại một thị trường còn non trẻ.
Tiếp tục bước đi thần tốc, ngày 25/11/2022, VinFast đã xuất khẩu lô 999 chiếc xe điện VF 8 sang Mỹ. 5 tháng sau đó, VinFast tiếp tục xuất khẩu 1.879 xe sang thị trường Mỹ và Canada.
Xuất khẩu cũng chưa phải là tham vọng cuối cùng của VinFast. Ngày 29/7/2023, VinFast chính thức khởi công dự án nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu xe điện toàn cầu và tự chủ nguồn cung của hãng tại khu vực Bắc Mỹ.
Năm 2024 là quãng thời gian quan trọng của VinFast khi doanh nghiệp liên tục có những bước đi mới và tạo nên dấu ấn ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
Trong quý I/2024, VinFast đã động thổ nhà máy xe điện tích hợp đầu tiên tại Ấn Độ và mức đầu tư 500 triệu USD giai đoạn 1, công suất 150.000 chiếc/năm.
Tới ngày 15/7, VinFast Auto tiếp tục động thổ dự án Nhà máy Lắp ráp Xe điện tại Indonesia với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu USD, công suất dự kiến đạt 50.000 xe/năm.
Đáng chú ý, trong tháng 10/2024, VinFast liên tiếp có những bước tiến quan trọng tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ngày 17/10, doanh nghiệp ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty Charge&Go để thúc đẩy việc lắp đặt và vận hành mạng lưới trạm sạc công cộng cùng các dịch vụ liên quan tại UAE.
Ngày 28/10, hãng xe điện Việt Nam cùng đối tác Al Tayer Motors khai trương đại lý đầu tiên tại trung tâm thành phố Dubai với tổng diện tích hơn 1.000m².
Ngày 29/10, VinFast ký Biên bản ghi nhớ với Emirates Driving Company (EDC), nhằm hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển xe điện, đào tạo lái xe tại Việt Nam và đầu tư hỗ trợ ngành công nghiệp của Abu Dhabi.
Về xuất khẩu, VinFast cũng đã xuất khẩu hàng nghìn xe điện tới Philippines và Indonesia trong năm 2024. Bên cạnh đó, tháng 11 vừa qua, VinFast ghi dấu ấn mới tại thị trường Mỹ khi chính thức bàn giao những chiếc VF 9 đầu tiên cho khách hàng.
Sau 2 năm chuyển sang xe điện, VinFast đã ghi dấu ấn với nhiều thành tựu ấn tượng. Về mặt doanh số, trong năm 2023, doanh nghiệp đã bàn giao tổng cộng 34.855 xe ô tô điện, tăng 48% so với năm trước và bán thêm 72.468 xe máy điện. Theo đó, VinFast mang về 28.596 tỷ đồng doanh thu (khoảng 1,2 tỷ USD), tăng 91% so với năm trước.
9 tháng đầu năm 2024, doanh số xe điện của VinFast xếp thứ 28 toàn cầu với 44.260 chiếc và tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, trong đó đóng góp lớn từ mẫu VinFast VF 3, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Việt Nam và Philippines.
Đáng chú ý, trong tháng 10/2024, VinFast đã trở thành thương hiệu ô tô bán chạy số 1 thị trường Việt Nam sau khi hãng công bố đã bàn giao 51.000 chiếc xe điện cho khách hàng trong 10 tháng của năm 2024.
Theo đó, Việt Nam và Malaysia là 2 quốc gia ở Đông Nam Á có 1 hãng xe nội địa vượt lên hết tất cả các hãng xe khác để trở thành số 1 thị trường
Từ thời khắc lịch sử này, vị tỷ phú gửi lời chúc mừng và lời cảm ơn chân thành tới toàn thể cán bộ nhân viên Vingroup, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nhân viên VinFast - những người đã rất quyết tâm, rất nỗ lực đưa VinFast "từ zero đến hero".
Với những cống hiến của mình cho đất nước, VinFast đã được ghi nhận là thương hiệu và sản phẩm tiêu biểu nhất trong lĩnh vực tham gia, có đóng góp tích cực cho quá trình di chuyển xanh và chuyển đổi xanh lan tỏa mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
VinFast cũng là nguồn cảm hứng dẫn lối cho doanh nghiệp Việt chinh phục quốc tế. Năm 2024, tạp chí TIME của Mỹ đã công bố danh sách top 100 công ty có tầm ảnh hưởng nhất thế giới của năm 2024. Trong đó, hãng xe điện VinFast đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trong lịch sử được vinh danh trong danh sách quyền lực này.
Tính đến đầu tháng 12, VinFast có vốn hóa khoảng 11,85 tỷ USD, lọt top công ty xe điện có vốn hóa lớn thứ 6 trên thị trường và top 31 công ty xe ô tô lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, hãng xe này đã sở hữu mạng lưới 111 xưởng dịch vụ, phủ sóng toàn bộ tại 63/63 tỉnh thành, chính thức trở thành hãng xe có nhiều xưởng dịch vụ nhất Việt Nam.
Thực tế, ngành xe điện trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng là một lĩnh vực vô cùng tiềm năng. Nghiên cứu của HSBC cho biết, những năm gần đây, chuyển dịch năng lượng đã trở thành trọng tâm ở châu Á và Việt Nam cũng không ngoại lệ. HSBC ước tính rằng tổng doanh số bán xe máy và ô tô điện hàng năm của Việt Nam có thể tăng từ dưới 1 triệu trong năm 2024 lên trên 2,5 triệu vào năm 2036.
Theo Goldman Sachs, giá pin lithium-ion – loại phổ biến nhất trong ngành xe điện sẽ giảm mạnh trong những năm tới. Từ mức 149 USD/kWh vào năm 2023, giá pin được kỳ vọng giảm xuống còn 111 USD/kWh vào cuối năm 2024 và chỉ còn 82 USD/kWh vào năm 2026. Đây là bước tiến quan trọng, vì hiện tại, chi phí pin chiếm khoảng 30-40% tổng chi phí sản xuất xe điện. Dự báo giảm giá pin mở ra cơ hội cho Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và tiêu thụ xe điện trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam với các chính sách ưu đãi về thuế và phát triển hạ tầng sạc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường xe điện phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ, trong vòng 3 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành (1/3/2022), ô tô điện chạy pin được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%. Trong vòng 2 năm tiếp theo (từ 1/3/2025 đến 1/3/2027), nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50%. Bên cạnh đó, theo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, xe ô tô chạy bằng điện chỉ có thuế suất thuế TTĐB từ 5-15%.
Mặt khác, trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ, với mục đích kéo dài Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến 31/12/2027.
Nếu chương trình này được thông qua, VinFast sẽ hưởng lợi lớn trong hoạt động sản xuất ô tô khi được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Theo lộ trình của Nhà nước, đến năm 2030, 50% phương tiện đô thị và toàn bộ xe buýt, taxi sẽ chạy điện. Mục tiêu đến 2050 là chuyển đổi hoàn toàn các phương tiện giao thông đường bộ sang chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh.
Theo lộ trình kịch bản chính sách (SPS), số lượng thiết bị sạc cần thiết để hỗ trợ mục tiêu phát triển xe điện sẽ đạt 800.000 chiếc vào năm 2030, 2,7 triệu chiếc vào năm 2040 và 6,3 triệu chiếc vào năm 2050. Từ năm 2024 đến 2030, tổng vốn đầu tư cho lộ trình SPS ước tính dao động từ 6-9 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhu cầu về pin sẽ tăng mạnh, đạt 4,8 triệu đơn vị vào năm 2040 và 10,7 triệu đơn vị vào năm 2050. Tổng dung lượng pin cần thiết cũng tăng từ 100GWh vào năm 2030 lên 360GWh vào năm 2040 và 1.170GWh vào năm 2050. Từ năm 2031 đến 2040, kịch bản SPS yêu cầu 59 tỷ USD để tăng sản lượng điện. Giai đoạn 2041-2050, lộ trình SPS ước tính cần 200 tỷ USD để mở rộng công suất cấp phát điện, vượt xa mức dự kiến trong Quy hoạch điện VIII.
Như vậy, VinFast sẽ đối mặt với 3 thử thách lớn: phát triển mạng lưới trạm sạc, nâng cao năng lực sản xuất pin và công suất điện năng quốc gia, nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Trong kinh doanh, doanh nghiệp dự kiến đạt điểm hòa vốn gộp vào năm 2025 và điểm hòa vốn EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) vào năm 2026. Trước đó, VinFast đã công bố kết quả tài chính chưa kiểm toán quý III/2024 với kết quả kinh doanh khả quan.
Tổng doanh thu đạt 12.326 tỷ đồng, tăng 42,2% so với quý II/2024 và 49,3% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty ghi nhận lỗ gộp 2.957 tỷ đồng trong kỳ, giảm 45,6% so với quý II/2024. Biên lợi nhuận gộp cải thiện còn âm 24%, từ mức âm 62,7% trong quý trước và âm 27% cùng kỳ năm 2023.
Về nguồn vốn, Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ 50.000 tỷ đồng. Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast thông qua chuyển đổi khoản cho vay 80.000 tỷ đồng thành cổ phần. Ngoài ra, VinFast đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với một nhóm nhà đầu tư từ UAE về khoản tài trợ ít nhất 1 tỷ USD hồi cuối tháng 10/2024.
Để giải quyết vấn đề về pin, cuối năm 2022, CTCP Giải pháp năng lượng VinES và Công ty Gotion, Inc. đã khởi công dự án Nhà máy sản xuất cell pin sạc LFP tại Khu kinh tế Vũng Áng. Dự án này có công suất thiết kế 5 GWh/năm, tương đương khoảng 30 triệu cell pin/năm. Trước đó, vào tháng 12/2021, VinES đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói pack pin với công suất 100.000 pack pin/năm.
Để giải quyết vấn đề trạm sạc, đầu tháng 9/2024, CTCP Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN đã tiên phong triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền tại Việt Nam để đẩy nhanh quá trình phủ xanh trạm sạc xe điện trên khắp Việt Nam. Bên cạnh đó, VinFast và Vingroup đã liên tục hợp tác với các tỉnh và doanh nghiệp thời gian qua để thực hiện chiến dịch “Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam - Vì Tương lai Xanh”, thúc đẩy trạm sạc và xe điện trên toàn quốc.
Với bài toán sản xuất xe điện, ngoài nhà máy VinFast Hải Phòng, để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng gia tăng đối với các mẫu xe phân khúc giá thấp, đồng thời nhằm tối ưu hiệu quả, VinFast có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất ở tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến chuyên sản xuất các mẫu xe điện phổ thông VF 3 và VF 5. Ngày 8/12, Dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh đã bắt đầu khởi động giai đoạn 1 và dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 6/2026, công suất 200.000 xe/năm, giai đoạn 2 từ sau năm 2026 với công suất 400.000 xe/năm.
Về câu chuyện phát triển mạng lưới, VinFast vẫn đang bám sát kế hoạch mở rộng trên toàn cầu. Tính đến ngày 31/10/2024, mạng lưới bán lẻ của VinFast đã đạt 173 showroom ô tô và 160 showroom kết hợp xưởng dịch vụ xe máy điện, bao gồm các đơn vị trực thuộc VinFast.
Từ giấc mơ "Zero" đến hiện thực "Hero", VinFast đã chứng minh rằng một thương hiệu Việt hoàn toàn có thể chinh phục ngành công nghiệp ô tô thế giới. Với tầm nhìn chiến lược, sự kiên trì và khát vọng đổi mới, VinFast không chỉ làm nên kỳ tích cho Việt Nam mà còn góp phần định hình tương lai giao thông toàn cầu.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 5/2024, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, khẳng định rằng Vingroup sẽ không bao giờ từ bỏ VinFast, bởi đây không chỉ là một câu chuyện kinh doanh mà còn là trách nhiệm của tập đoàn.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông mới đây, người giàu nhất Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: "Sẽ đầu tư cho VinFast đến khi hết tiền thì thôi!"