Tuần giảm điểm từ 9 - 13/5/2022 có thể được coi là tuần giao dịch "thảm họa" của VN-Index khi chỉ số chính thức ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử.
Thị trường có tuần giao dịch tiêu cực nhất từ sau giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020 với mức giảm mạnh 11,02%.
Cụ thể, chỉ số chính sàn HOSE mở cửa tuần giảm ngay 16 điểm và tiếp tục có diễn biến tiêu cực hơn khi để mất mốc 1.300 ngay phiên thứ Hai. VN-Index sau đó tiếp tục để mất mốc hỗ trợ quan trọng, cũng là mốc tâm lý tại 1.200 trong phiên cuối tuần để chốt tuần tại 1.182,77 điểm.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 16.827 tỷ đồng - tăng 8% so với tuần trước đó nhưng giảm 15,45% so với trung bình 5 tuần gần đây.
Các bluechips cùng có diễn biến giảm mạnh trong tuần, trong nhóm 10 cổ phiếu ảnh hưởng xấu nhất đến VN-Index, có đến 8 mã giảm trên 10% trong đó GVR và TCB là 2 cổ phiếu giảm mạnh nhất với mức giảm lần lượt 20,5% và 18,6%. VCB là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số với mức ảnh hưởng giảm 7,7 điểm.
Điểm sáng giao dịch thuộc về khối ngoại khi họ mua ròng gần 1.690 tỷ đồng trong đó chứng chỉ quỹ VN-Diamond (FUEFVND) được khối này mua vào mạnh nhất với giá trị 646 tỷ đồng, DGC với 288 tỷ đồng.
Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Phan Linh, Founder TakeProfit Việt Nam cho rằng một kịch bản tích cực hơn là thị trường dừng ở vùng 1.180 điểm và 1.200 điểm rồi sau đó quay trở lại với một nhịp hồi tương đối. Trước mắt, để bật ngược về 1.420 điểm thì xác suất vô cùng thấp.
Quan sát các yếu tố vĩ mô của Việt Nam, GDP quý I tăng trưởng vượt 5%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 1%. Bên cạnh đó, mặc dù gặp áp lực đồng USD đang mạnh lên khi Fed siết chặt lãi suất nhưng tỷ giá tại nước ta vẫn khá ổn định ở ngưỡng 23.000 đồng với dự trữ ngoại hối khoảng 100 tỷ USD, đáp ứng 17 tuần nhập khẩu.
Khi thị trường chiết khấu một mức đủ sâu thì các quỹ ngoại bắt đầu có tầm nhìn xa hơn, dài hơn, mang tính đầu tư và có thể sẽ giải ngân ở vùng giá này. Trong hai năm vừa qua, quỹ ngoại chỉ mua ròng đúng ba tháng là tháng 7/2021, tháng 1/2022, tháng 4/2022, còn lại đều là bán ròng. Đây là động thái khá tích cực đối với thị trường ở giai đoạn này.
Theo báo cáo vừa công bố của Dragon Capital, giá cổ phiếu kết hợp tăng trưởng lợi nhuận khiến định giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn. Tính đến cuối tháng 4, chỉ số P/E trượt giảm về 14,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm vừa qua.
Quý I năm nay, 86% số công ty niêm yết và công ty đại chúng có quy mô lớn, đăng ký giao dịch đã công bố báo cáo là có lãi - cao hơn mức 83% của năm ngoái; lợi nhuận sau thuế cũng tăng khoảng gần 34% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, mặt bằng lãi suất còn rẻ, dòng tiền cần phải hướng đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Ông Phan Linh cho rằng, tâm lý thái quá của nhiều nhà đầu tư trong ngắn hạn cũng là điều dễ hiểu. Nhìn vào bảng giá hiện tại, cứ có một phiên tăng sau đó lại một phiên sàn hàng loạt thì thực sự tâm lý ai cũng trở nên bi quan, chán nản về thị trường.
Điều quan trọng bây giờ là phải đánh giá lại các cổ phiếu chưa xử lý được, xem xét xem liệu có còn yếu tố về tăng trưởng dài hạn nữa hay không. Thay vì chán nản, mệt mỏi, mọi người nên tìm kiếm những cơ hội để chuẩn bị khi thị trường bắt đầu tạo đáy phục hồi.
Yếu tố rủi ro nhất bây giờ đến từ thị trường thế giới. Khi ngân hàng trung ương các quốc gia siết lại bảng cân đối của mình thì dòng vốn sẽ bị rút ra. Thị trường chứng khoán luôn luôn đi trước nền kinh tế.
Việc kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, đặc biệt là bắt đáy tại thời điểm này không được khuyến khích bởi thị trường đang ở giai đoạn downtrend. Nếu xu hướng thị trường chung không thuận thì 75% các mã cổ phiếu đều giảm giá vì vậy xác suất thua lỗ sẽ rất cao.
Theo giới phân tích, thời điểm này, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng các vị thế trading trong các nhịp hồi sớm; kỳ vọng nhịp giảm của thị trường sẽ sớm dừng lại đồng thời đánh giá lại các cổ phiếu chưa xử lý được, chuẩn bị kịch bản VN-Index tạo đáy hồi phục thay vì chán nản
Vietnam Airlines (HVN) chính thức thoát lỗ sau 4 năm
'Con tàu' chở 870 thuyền viên ra biển, mỗi ngày thu lãi hơn 5 tỷ đồng