Chuyển động thị trường

VN-Index đảo chiều tăng 7 điểm, một cổ phiếu VN30 bị khối ngoại bán ròng hơn 4.400 tỷ đồng

Quốc Trung 17/04/2025 15:28

Phiên 17/4, nhóm VN30 trở thành lực đẩy chính giúp VN-Index chuyển xanh. VIC dẫn đầu đà hồi phục khi tăng 4,6%.

15h: Thị trường chứng khoán ngày 17/4 diễn biến tích cực về cuối phiên khi lực cầu bất ngờ gia tăng ở nhóm VN30 ngay trước phiên ATC. VN-Index theo đó đảo chiều tăng 6,99 điểm, chốt tại 1.217,25 điểm. Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng chuyển sắc xanh nhẹ.

Nhóm VN30 trở thành lực đẩy chính trong phiên với nhiều mã tăng mạnh. VIC dẫn đầu đà hồi phục khi tăng 4,6%, đóng cửa tại 71.000 đồng/cổ phiếu. Các mã SSB, BVH, GVR, VJC đồng loạt tăng trên 3%, trong khi TPB, FPT, MSN, PLX, LPB tăng từ 1–2%.

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm Big4 là BID và VCB gây áp lực khi lần lượt giảm 0,4% và 2%. Trong ngày tổ chức Đại hội cổ đông thường niên, cổ phiếu HPG đứng giá tham chiếu tại 25.500 đồng, với khối lượng khớp lệnh đạt 24,4 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cổ phiếu VIC ghi nhận giao dịch khối ngoại đột biến, khi bị bán ròng tới 66,4 triệu đơn vị, tương đương giá trị khoảng 4.440 tỷ đồng.

Ngoài nhóm VN30, một số cổ phiếu midcap cũng có diễn biến tích cực. GMD và GEE đều đóng cửa tại mức giá trần. Trong đó, GEE bứt phá mạnh sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế tăng 4,2 lần cùng kỳ, đạt mức cao kỷ lục theo quý.

Cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines) cũng tăng mạnh gần kịch trần, đóng cửa tại 32.800 đồng/cp, nối dài chuỗi hồi phục gần đây nhờ kỳ vọng vào tiến trình tái cấu trúc.

Thanh khoản trên cả 3 sàn đạt 23.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng đột biến gần 4.600 tỷ.

anh-chup-man-hinh-2025-04-17-160442.png
Top 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên sàn HoSE phiên 17/4/2025

10h55: Thị trường chứng khoán ngày 17/4 chịu áp lực điều chỉnh mạnh khi lực bán gia tăng trên diện rộng. Kết phiên sáng, VN-Index giảm gần 11 điểm, sắc đỏ áp đảo với tổng cộng 550 mã giảm giá, trong khi chỉ có 230 mã tăng trên cả ba sàn.

Các nhóm ngành như tài chính, nguyên vật liệu, bất động sản và bán lẻ đồng loạt chịu áp lực lớn, kéo chỉ số chung lùi sâu.

Ở chiều ngược lại, một số mã vẫn giữ được sắc xanh và trở thành lực đỡ cho thị trường trong đó, cổ phiếu SSB tăng 3,7%, LPB tăng 1,7%, VJC và GVR đều tăng trên 1%, phần nào kìm hãm đà giảm của VN-Index.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường lại đồng loạt chìm trong sắc đỏ. MBB, CTG và VCB giảm quanh mức 1,1%–1,2%, trong khi BID giảm sâu nhất với mức 2,6%. Nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup cũng đảo chiều từ xanh sang đỏ.

Thanh khoản thị trường đạt khoảng 7.300 tỷ đồng, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang chững lại. Khối ngoại tiếp tục bán ròng nhẹ gần 140 tỷ đồng, góp phần gia tăng áp lực lên thị trường chung.

9h50: Sau hai phiên điều chỉnh, thị trường chứng khoán bước vào phiên 17/4 với trạng thái rung lắc quen thuộc. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục thận trọng khi những lo ngại xoay quanh chính sách thuế quan của Mỹ vẫn chưa hạ nhiệt. Theo các động thái mới nhất từ Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể áp thuế hơn 200% đối với một số mặt hàng từ Trung Quốc.

Cùng lúc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng bày tỏ lo ngại rằng chính sách thuế quan mới có thể làm gia tăng áp lực lạm phát, gây khó khăn cho định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Tác động từ các thông tin quốc tế khiến thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong phiên 16/4. Chỉ số Dow Jones mất 699,57 điểm (–1,73%) còn 39.669,39 điểm; S&P 500 giảm 2,24% về 5.275,7 điểm, trong đó nhóm công nghệ dẫn đầu đà giảm. Nasdaq Composite sụt 3,07% xuống 16.307,16 điểm, giảm gần 19% so với đỉnh và tiệm cận vùng thị trường con gấu.

Tại Việt Nam, VN-Index mở cửa ngày 17/4 trong sắc đỏ, giảm gần 3 điểm và rơi khỏi mốc 1.210 điểm. Sắc đỏ cũng lan rộng trên HNX và UPCoM. Nhóm VN30 tiếp tục là trụ đỡ chính của thị trường, tuy nhiên Hòa Phát (HPG) bất ngờ trở thành mã giảm mạnh nhất nhóm, mất 1,6%, vốn hóa "bốc hơi hơn 2.500 tỷ đồng".

Cổ phiếu HPG diễn biến trái chiều trong bối cảnh Tập đoàn Hòa Phát đang tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tại Hà Nội. Đại hội thu hút hơn 1.000 cổ đông tham dự, đại diện cho khoảng 194.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp.

Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ về kế hoạch kinh doanh tham vọng trong năm 2025 với mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 15.000 tỷ đồng.

“Quý I, chúng ta đã đạt doanh thu 37.000 tỷ đồng và lợi nhuận 3.300 tỷ đồng”, ông Long cho biết.

Trong bối cảnh thị trường biến động, kế hoạch của Hòa Phát được đánh giá là một bước đi mang tính kỳ vọng, đồng thời phản ánh niềm tin của ban lãnh đạo vào sự phục hồi của ngành thép và nền kinh tế trong thời gian tới.

>> 1.000 cổ đông Hòa Phát (HPG) dự họp ĐHCĐ, tỷ phú Trần Đình Long nói lời đặc biệt

Hòa Phát (HPG) lãi 3.350 tỷ đồng trong quý I/2025, dự án Dung Quất 2 đã bắt đầu cho sản phẩm

Mỏ quặng sắt Hòa Phát 'sốt ruột' chờ khai thác: Hơn 194.000 tấn sắp được tiêu thụ cho nhà máy thép của liên doanh Trung Quốc - Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nasdaq-ap-sat-thi-truong-gau-hoa-phat-mat-2500-ty-von-hoa-ngay-dau-phien-dai-hoi-co-dong-286989.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    VN-Index đảo chiều tăng 7 điểm, một cổ phiếu VN30 bị khối ngoại bán ròng hơn 4.400 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH