Suy tính lướt sóng khi thị trường đang nóng, ôm mộng kiếm chênh tiền tỷ khi mua đi bán lại, tuy nhiên do tính sai thời điểm ra hàng, nhiều nhà đầu tư vỡ giấc mơ làm giàu nhanh từ đất.
Làn sóng săn đất đầu năm hình thành cơn sốt khiến giá đất tăng phi mã tại nhiều địa phương. Chứng kiến giá đất liên tục tăng cao, người quen tranh nhau đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản và kiếm được lời nhanh nên chị H.T.T. Thúy (Tịnh Quán, Đồng Nai) cũng rót hết số tiền tiết kiệm bao năm vào cuộc chơi mua đất làm giàu.
Nghe lời môi giới tư vấn, chị Thúy xuống gần 800 triệu đồng mua lô đất 100m2 thuộc dự án tại Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo môi giới tư vấn thì khu vực này liên tục sốt đất trong 2 năm nay, giá đất tăng từng năm, chưa ai đầu tư mà thua lỗ. Riêng dự án mà họ đang bán, 1 tháng giá đã từ mức 1,4 tỷ đồng/nền tăng lên 1,54 tỷ đồng, chủ đầu tư ra hàng đợt nào là hết đợt đó. Do chị được người quen giới thiệu nên mới ưu tiên bán giá chủ đầu tư, còn bên ngoài thì phải chênh ít nhất 50-100 triệu đồng/nền. Nhìn tin nhắn chốt lô đất liên tục từ các group bán hàng môi giới cho xem, chị Thúy vừa sốt ruột vừa hưng phấn, thẳng tay xuống tiền với hi vọng tầm tháng 6 ra hàng sẽ lời được vài trăm triệu.
“Thực tình tôi thấy đông người mua thật. Môi giới nói hiện tại chỉ có thể mua lại cọc từ chủ đất khác. Giá thị trường là 16 triệu đồng/m2, nhưng tôi có thể mua với giá 14,6 triệu đồng/m2 vì đây là suất nội bộ từ sale. Nghĩ rẻ hơn được cả chục triệu nên tôi cũng ham. Thời điểm đó vừa qua đợt dịch đầu năm, tình hình kiểm soát dịch ổn định, đất lại đang sốt nên tôi chắc mẫn sẽ thắng cú này", chị Thúy kể lại.
Giữa tháng 4, quả thật môi giới đã tìm được cho chị Thúy một khách hàng có nhu cầu mua lại lô đất này với giá 1,5 tỷ đồng. Dù đã lời được chục triệu chỉ sau có 1 tháng nhưng do bản thân ôm mộng cao hơn nên chị Thúy không bán. Cho đến đầu tháng 5, tình hình dịch có dấu hiệu bệnh bùng phát, thị trường hết sốt và đi xuống, lúc này chị Thúy vẫn chưa lo lắng nhiều vì tin thị trường vào cuối năm mới là tâm điểm sôi động nhất. Môi giới còn tư vấn cho chị tiếp tục vào hết tiền, đợi cuối năm, dịch hết, đất chắc chắn tăng.
Lệnh giãn cách tại một số địa phương đã khiến không ít nhà đầu tư rời bỏ nhà đất. Ngày đến hạn thanh toán số tiền còn lại để ra sổ đang đến, chị Thúy tá hỏa tìm người sang nhượng thì chỉ nhận được cái lắc đầu từ môi giới. Bên đó cho biết giờ chỉ có bán hạ giá sâu thì may ra hàng được còn nếu tiếp tục giữ thì chị phải hoàn tất thanh toán. Còn nếu chị muốn rút lại tiền thì sẽ mất khoản cọc cùng một khoản phạt gần 10 triệu đồng nữa. Lúc mua thì thị trường nhộn nhịp, đến lúc bán thì thị trường im lặng như tờ. Nhà đầu tư này cay đắng mất tiền cọc vì không đủ tiền ra hết trong giai đoạn khó khăn.
Nếu chị Thúy là một nhà đầu tư mới, thiếu kinh nghiệm thì anh Xuân Bách, người đã có ít nhất 3 năm lăn lộn đầu tư BĐS cũng thất bại vì không lường trước mọi biến cố của thị trường. Cuối năm 2020, anh Bách mua 2 nền đất tại tỉnh sát TP.HCM với mức giá 3,2 tỷ đồng. Đến đầu năm 2021, cơn sốt đất diễn ra, hai lô đất của anh tăng giá lên mức 3,6 tỷ đồng. Dù có phân vân nhưng anh vẫn ôm tâm lý giá sẽ còn lên cao và quyết không chào bán. Tuy nhiên tính đến hiện tại, dù đang rất muốn bán ra với giá vốn để thu hồi tiền về xoay xở việc làm ăn, anh Bách cũng bất lực vì không tìm được người mua lại.
“Giờ không chỉ có mình tôi mà rất nhiều nhà đầu tư khác đã mua dự án này cũng đều hối hả bán ra. Ngày từ thời điểm giữa tháng 6 tôi đã liên hệ nhiều môi giới nhờ ra giúp hàng nhưng đến hiện tại thì họ đều bó tay do lúc này không còn bàn được chuyện mua bán”.
Cảm thấy lo lắng vì dịch không có dấu hiệu giảm, lại đang cần tiền giải quyết việc kinh doanh cộng thêm áp lực lời – lãi từ khoản vay mua đất không thể xoay xở thanh toán trong hoàn cảnh làm ăn khó khăn, anh Bách cắn răng chấp nhận bán giá gốc 3,2 ỷ đồng nhưng đến giữa tháng 7 vẫn không thể sang nhượng. Anh Bách tiếp tục hạ giá, chấp nhận mức lỗ thêm 200 triệu đồng với mong muốn sẽ bán được trong tháng 8 nếu không sẽ đổ nợ vì trễ thời hạn vay. Anh cho rằng, nếu không phải “gặp vận rủi”, mua đất trúng ngay thời điểm đại dịch, chắc chắn anh sẽ kiếm được lời vì dự án mình đầu tư có vị trí đẹp và liên kết hạ tầng khu vực giàu tiềm năng. Thậm chí nếu không quá khó khăn, cần tiền gấp thì để lại đến cuối năm nay hay qua năm sau khi tình hình dịch được kiểm soát, giá 2 lô đất có thể tăng thêm ít nhất 15-20%.
Dù có dự đoán thế nào về tương lai, một thực tế mà anh Bách phải chấp nhận lúc này là anh đã đầu tư thua lỗ. Thậm chí sau này, nếu anh thật sự có thể bán ra được với mức lời như suy tính thì cũng khó bù đắp vào những thiệt hại tài chính anh đang phải trả khi đầu tư lô đất ngay hiện tại.
Thời điểm sốt đất, tâm lý hưng phấn cho rằng đầu tư đất là chắc lời vì không sợ lo hạ giá, mất giá hay không có người mua, nhiều nhà đầu tư đã tham gia thị trường thiếu sự phân tích chuyên sâu. Bất động sản luôn được người Việt ưa chuộng, nhu cầu với BĐS luôn rất lớn và trong thời điểm thị trường phát triển bình thường, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kiếm được lời, thậm chí lời khủng nếu đầu tư được lô đất đẹp, pháp lý sạch, vị trí hạ tầng giàu tiềm năng.
Tuy nhiên không phải cuộc chơi nào cũng dẫn đến cái kết đẹp. Dù không gặp phải hoàn cảnh trái ngang do dịch bệnh mang lại, lịch sử phát triển của thị trường cũng cho thấy chẳng thiếu những ví dụ điển hình vì lao theo sốt đất, ôm giấc mộng làm giàu từ đất và bị chính đất “phản phệ” vì không thật sự lường trước được các biến động.
Theo các chuyên gia trong ngành, trong cơn sốt đất nhiều nhà đầu tư thắng đậm là bởi họ nhạy bén tình hình, biết lúc nào để rút hàng ra; còn đa số nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư tay ngang hoặc nhà đầu tư mới vào thị trường luôn có tâm lý chờ để lãi thêm, vì đất còn sốt. Thế nhưng, không phải ai chờ thêm cũng thắng, đất quay đầu giảm giá sẽ khiến những nhà đầu tư này không kịp trở tay, nhận "trái đắng" từ việc đầu tư này.