Doanh nghiệp

Vốn đầu tư 'siêu' dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có thể lên tới 22 tỷ USD

Ngân Phát 10/02/2025 - 21:52

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được triển khai trên diện tích 1.642ha, là bước ngoặt lớn cho ngành năng lượng Việt Nam.

Theo dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII (PDP8) đang được Bộ Công Thương xin ý kiến, suất đầu tư của nhà máy điện hạt nhân khoảng 5.500 USD/kW.

Theo kế hoạch được phê duyệt từ năm 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 với tổng công suất 4.000MW. Dựa trên suất đầu tư ước tính, tổng vốn đầu tư có thể lên tới 22 tỷ USD, cao hơn nhiều so với dự tính ban đầu, vốn dao động trong khoảng 10,8-12,2 tỷ USD. Dự án được triển khai trên diện tích 1.642ha.

Kịch bản mở rộng quy mô điện hạt nhân

Bộ Công Thương đang xem xét phương án nâng công suất điện hạt nhân lên trên 4.000MW. Theo dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII (PDP8), quy mô điện hạt nhân đến năm 2050 có thể dao động từ 4.800MW đến 9.800MW, thậm chí có thể tăng thêm trong trường hợp giá nhiên liệu tăng cao hoặc chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo trở nên đắt đỏ.

Bộ Công Thương cho rằng nếu suất đầu tư điện hạt nhân giảm xuống, loại hình năng lượng này sẽ có tính cạnh tranh cao hơn so với điện hóa thạch và năng lượng tái tạo như điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Khi đó, điện hạt nhân có thể được đưa vào vận hành sớm hơn và với quy mô lớn hơn so với kế hoạch hiện tại.

Vốn đầu tư 'siêu' dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có thể lên tới 22 tỷ USD
Nguồn: Bộ Công Thương

>> 5 tỉnh có cơ hội xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn tại Việt Nam

Khó vận hành trước năm 2035

Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ cần nhiều bước và mất khoảng 148 tháng (hơn 12 năm) để hoàn tất việc nạp nhiên liệu, khởi động và vận hành tổ máy đầu tiên. Để vận hành tổ máy thứ hai, cần thêm 10 tháng nữa, tức tổng thời gian khoảng 158 tháng.

Nếu công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) bắt đầu từ tháng 1/2025, tổ máy 1 có thể vận hành vào giữa năm 2037 và tổ máy 2 vào giữa năm 2038.

Ngày 3/1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 1/CT-TTg về đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn cao điểm năm 2025 và 2026-2030. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung triển khai, hoàn thành dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong vòng 5 năm, đồng thời tính toán các phương án rút ngắn tiến độ xây dựng.

Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là lựa chọn đối tác đầu tư và tư vấn thiết kế. Trước đây, đơn vị tư vấn thiết kế của dự án Ninh Thuận 1 (E4 - EPT - Kiev EnergoProject) đã không còn tồn tại, vì vậy cần thời gian để tìm kiếm đơn vị thay thế.

>> Thủ tướng: Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề 'quốc gia đại sự', là vấn đề khó, nhạy cảm

Bài học từ các dự án điện hạt nhân quốc tế

Trên thế giới, Nga đã triển khai nhiều dự án điện hạt nhân tại Đông Âu và gần đây là tại Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Ai Cập. Các dự án này có công suất 1.200 MW/tổ máy và thời gian thi công thực tế đến khi phát điện thương mại khoảng 78 năm.

Thông thường, quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân từ khi đổ mẻ bê tông đầu tiên đến khi vận hành kéo dài ít nhất 5 năm. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án, bao gồm lập và phê duyệt FS, xin cấp phép xây dựng, thương thảo hợp đồng, cũng mất khoảng 5 năm.

Với các yếu tố trên, Bộ Công Thương đánh giá kịch bản khả quan nhất là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có thể vận hành vào năm 2035.

>> EVN và Petrovietnam được giao trọng trách đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân, có thể 'chọn' đối tác ngoại

5 tỉnh có cơ hội xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn tại Việt Nam

EVN và Petrovietnam được giao trọng trách đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân, có thể 'chọn' đối tác ngoại

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/von-dau-tu-sieu-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-co-the-len-toi-22-ty-usd-275599.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vốn đầu tư 'siêu' dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có thể lên tới 22 tỷ USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH