Vĩ mô

World Bank: Thiếu điện đầu hè gây thiệt hại 1,4 tỷ USD cho Việt Nam

Mạnh Hà 10/08/2023 - 23:32

World Bank ước tính đợt cắt điện/mất điện đầu hè vừa qua làm giảm 0,3% GDP của Việt Nam, tương đương cả tỷ USD. Vấn đề này sẽ tiếp diễn nếu không được giải quyết một cách quyết liệt.

Tại Báo cáo “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng”, Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB) cho biết nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế.

Một trong những thách thức được đại diện World Bank nhấn mạnh là vấn đề thiếu điện. Bà Dorasati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank ước tính phí tổn kinh tế của các đợt mất điện hồi đầu hè, tháng 5, 6 vừa qua khoảng 0,3% GDP, tương đương 1,4 tỷ USD đã bị mất đi.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam trong năm 2022 đạt 409 tỷ USD. Còn theo IMF, con số này là gần 414 tỷ USD.

Cũng theo bà Dorasati Madani, tình trạng thiếu điện sẽ tiếp diễn nếu không được giải quyết một cách quyết liệt. Việc đầu tư vào hệ thống hạ tầng truyền tải đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì cung cấp điện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thiếu điện là một vấn đề ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.

Thiếu điện cũng được xem là một nguyên nhân bên cạnh sức cầu yếu tác động đến khu vực chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu nửa đầu năm.

Miền Bắc có nhu cầu điện tăng nhanh hơn cả nước và đang gặp vấn đề về bất cân đối nguồn cung điện do phụ thuộc chủ yếu vào thuỷ điện, điện than; đồng thời chậm trễ trong đầu tư sản xuất và truyền tải điện. 

Để giải quyết vấn đề thiếu điện, theo WB, giải pháp trước mắt là sớm có lịch biểu vận hành thương mại các nhà máy điện trong 2024, 2025; xử lý nhanh quy trình phê duyệt và triển khai đầu tư về truyền tải; đa dạng hóa các nguồn cung…

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Và để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại nhưng WB dự báo sẽ tăng tốc vào cuối năm nay và những năm tiếp theo.

World Bank dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 4,7% trong năm 2023. Mức tăng trưởng kinh tế sẽ dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% trong năm 2025.

WB khuyến nghị một số chính sách để đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại đúng quỹ đạo tăng trưởng vốn có. Đó là thực hiện hiệu quả giải ngân đầu tư công năm 2023 nhằm kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế; đa dạng hóa các sản phẩm và điểm đến xuất khẩu để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn trước các cú sốc bên ngoài.

Để đầu tư công thực sự trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế, WB cho rằng Việt Nam nên duy trì mức đầu tư, thiết lập cơ cấu đầu tư hợp lý, và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Theo WB, Việt Nam nên thực hiện 5 giải pháp để phát huy hiệu quả của đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó là cải thiện việc lập kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công; đưa chi đầu tư công trở thành công trình hạ tầng hiệu quả; tăng cường quản lý tài sản công, nâng cao hiệu quả thu, chi ngân sách; thiết lập chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp; cải thiện cơ chế quản lý đầu tư và quan hệ ngân sách giữa các cấp chính quyền theo hướng hiện đại.

Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Carolyn Turk cho rằng, Chính phủ Việt Nam không nên bỏ qua các cải cách thể chế, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn.

EVN được giao trọng trách lớn: Không để thiếu điện khi kinh tế tăng trưởng 2 chữ số

Có điện, người dân vẫn phải đun bếp củi: Công ty bán điện hứa 'khắc phục ngay'

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/world-bank-dot-thieu-dien-dau-he-gay-thiet-hai-1-4-ty-usd-cho-viet-nam-2176075.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    World Bank: Thiếu điện đầu hè gây thiệt hại 1,4 tỷ USD cho Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH