Tính đến hết ngày 15/5, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ đạt 230,59 tỷ USD, giảm 42,1 tỷ USD, tương ứng 15,4%. Mục tiêu xuất khẩu tương đương năm trước đầy thách thức.
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu sơ bộ tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 5/2023 (từ ngày 01/5 đến ngày 15/5/2023).
Mục tiêu đầy thách thức
Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2023 đạt 23,89 tỷ USD, giảm 10,8% (tương ứng giảm 2,89 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 4/2023.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 5/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/5/2023 đạt 230,59 tỷ USD, giảm 15,4%, tương ứng giảm 42,1 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 160,26 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 28,5 tỷ USD). Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 5/2023 đạt 11,45 tỷ USD, giảm 21,3% (tương ứng giảm 3,1 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 4/2023.
Một số nhóm hàng có trị giá kỳ 1 tháng 5/2023 giảm so với kỳ 2 tháng 4/2023, gồm: điện thoại các loại và linh kiện giảm 755 triệu USD (tương ứng giảm 38,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 452 triệu USD (tương ứng giảm 25,7%); sắt thép các loại giảm 247 triệu USD (tương ứng giảm 44,1%); hàng dệt may giảm 189 triệu USD (tương ứng giảm 13,9%)...
Như vậy, tính đến hết 15/5/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 118,58 tỷ USD, giảm 12,8% (tương ứng giảm 17,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện giảm 4,47 tỷ USD (tương ứng giảm 19,5%); hàng dệt may giảm 2,3 tỷ USD (tương ứng giảm 17,4%); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,88 tỷ USD (tương ứng giảm 30,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,6 tỷ USD, tương ứng giảm 8,2%... so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 5/2023 đạt 8,09 tỷ USD, giảm 22,6% tương ứng giảm 2,36 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 4/2023.
Tính đến hết ngày 15/5/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 87,17 tỷ USD, giảm 12,4%, tương ứng giảm 12,39 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2023 đạt 12,44 tỷ USD, tăng 1,7% (tương ứng tăng 212 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2023.
Một số nhóm hàng có trị giá nhập khẩu tăng là dầu thô tăng 101 triệu USD, (tương ứng tăng 40,3%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 87 triệu USD (tương ứng tăng 3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 76 triệu USD (tương ứng tăng 4,6%)...
Tính chung từ đầu năm đến hết 15/5/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 112,01 tỷ USD, giảm 18% (tương ứng giảm 24,63 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 5,47 tỷ USD (tương ứng giảm 66,5%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 4,39 tỷ USD (tương ứng giảm 13,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 2,15 tỷ USD (tương ứng giảm 13,2%) so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 5/2023 đạt 8,18 tỷ USD, tăng 4% (tương ứng tăng 317 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 4/2023.
Tính đến hết ngày 15/5/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 73,09 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 16,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 65,3% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước…
Với kết quả trên, trong kỳ 1 tháng 5/2023, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 988 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 6,57 tỷ USD.
Nguyên nhân được các chuyên gia và doanh nghiệp cho là các ngành hàng đều gặp khó khăn khi lạm phát cao, sức mua kém, nhất là hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Điển hình là các nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam như: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; giày dép… đều giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Với quy mô hiện nay, những tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt bình quân 51,2 tỷ USD mỗi tháng, trong khi con số này của cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 60 tỷ USD.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, chia sẻ, hiện tại, doanh nghiệp đang bị tác động bởi thị trường đầu ra thu hẹp, sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Riêng trong quý 1, doanh nghiệp sụt giảm 10%; trong quý 2, quý 3 được cho là thời kỳ cao điểm của tiêu thụ sản phẩm may mặc nhưng lượng đơn hàng giảm 20-30%.
Một yếu tố khiến xuất khẩu giảm mạnh là nhiều nước áp dụng điều tra phòng vệ thương mại. Chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro.
Chuyên gia kinh tế Phạm Sỹ Thành cho rằng: “Bầu không khí cảm nhận trên toàn cầu là xấu đi rất nhiều, bên cạnh rủi ro địa chính trị thì chưa bao giờ sự trỗi dậy của chủ nghĩa trọng thương, bảo vệ kinh tế trong nước gắn với dân tuý, phúc lợi, thương mại lớn vậy. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn như Việt Nam. Điều này không chỉ gia tăng rủi ro, mà còn gia tăng chi phí cho nền kinh tế”.
Trong bối cảnh đó, để đạt được quy mô tương đương năm ngoái (hơn 730 tỷ USD), Tổng Cục Hải quan nhận định, trong thời gian còn lại của năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam phải đạt khoảng 500 tỷ USD, tương đương bình quân gần 67 tỷ USD mỗi tháng. Đây là mục tiêu đầy thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.
Cần chuyển hướng xuất khẩu bền vững
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm lại các thị trường truyền thống từ trước đến nay như châu Âu, Mỹ, châu Á,… Đáng chú ý, trong các ngành hàng, dệt may hiện đang là ngành nhiều khó khăn nhất, bởi ngoài việc không có đơn hàng, sức cạnh tranh yếu khiến doanh nghiệp còn bị mất đơn hàng tại thị trường truyền thống do đơn hàng đã rơi vào tay các "đối thủ" khác. Do đó, Việt Nam cần nắm lại thị trường bằng cách hiểu rõ bạn hàng cần gì để từ đó có sự thay đổi, đáp ứng xuất khẩu và tăng trưởng theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, hướng đến các thị trường xuất khẩu còn tiềm năng, nhưng để làm được điều này, theo ông Thịnh, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý.
Ngoài ra, thị trường trong nước cũng rất quan trọng. Hiện nay, nhu cầu của người dân ngày một cao, khả năng tiêu dùng cũng ngày càng lớn. Với gần 100 triệu dân, thị trường trong nước đang được coi là mảnh đất "màu mỡ" để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và chiếm lĩnh thị trường. Bởi vậy, doanh nghiệp cần có giải pháp để thúc đẩy thị trường trong nước và tăng tiêu dùng nội địa.
"Trong quý 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng. Rõ ràng nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng cao. Do đó, nắm thị trường trong nước cũng là một trong những vấn đề quan trọng ngoài vấn đề đẩy mạnh xuất khẩu", ông Thịnh phân tích.
Về phía cơ quan quản lý, để khắc phục tình trạng sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Đồng thời, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.
Hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua kích thích tiêu dùng, tăng chi tiêu của Chính phủ. Đẩy mạnh phát triển mạnh thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cũng cho biết thực hiện hiệu quả Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương.
Đặc biệt, thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp, như bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực. Tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp theo phân công của Chính phủ để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.