Yếu tố nào sẽ giúp Vinamilk (VNM) thoát cảnh lợi nhuận "giậm chân tại chỗ"?

04-03-2022 13:59|Nhật Hà

Kể từ năm 2017 đến nay lợi nhuận của VNM vẫn luôn ổn định ở mức trên 10 nghìn tỷ và không có sự đột phá.

Kết quả kinh doanh năm 2021 của VNM

Năm 2021, Vinamilk không có nhiều đột phá về tăng trưởng doanh thu lẫn lợi nhuận.

Tính riêng quý IV/2021, Vinamilk thu về 15.819 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính giảm 46% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm khoảng 1% so với cùng kỳ đạt 2.213 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2021, VNM ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ khoảng 2% đạt 60.919 tỷ đồng. Khoản thu nhập khác của VNM tăng 211 tỷ, gấp đôi năm ngoái do có thêm thu nhập được hỗ trợ bởi nhà cung cấp và khoản vay được miễn giảm do hỗ trợ bởi chính phủ. Lợi nhuận sau thuế của VNM giảm 5% so với năm 2020 còn 10.633 tỷ đồng.

Động lực giúp Vinamilk bứt phá trong thời gian tới

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán VCBS vừa đưa ra nhận định sản xuất thịt bò được xem là mảng tiềm năng nhất để thúc đẩy Vinamilk tăng trưởng với tốc độ hai con số từ 2023 - 2024 trở đi. Doanh thu từ thịt bò trong năm đầu tiên dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng khi đi vào hoạt động. Báo cáo cho biết, Vinamilk sẽ thịt bò nhập khẩu từ Nhật Bản để bán trong năm nay.

Bên cạnh đó, mảng sữa tươi được các chuyên gia phân tích kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng tiếp tục ổn định trong năm tới. Cùng với sữa Mộc Châu, Vinamilk có thể sẽ tăng thêm thị phần tại thị trường miền Bắc. 

Theo báo cáo cuối năm 2021 của Vinamilk, tổng sản lượng sữa tươi cung cấp trong năm 2021 cao nhất từ trước đến nay, đạt xấp xỉ 380 ngàn tấn. Ngoài ra, với việc có thêm trang trại mới như trang trại Quảng Ngãi và dự án tổ hợp tại Lào (quy mô giai đoạn 1 là 8.000 con) dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2022, khả năng tự chủ nguyên liệu sữa đầu vào của Vinamilk sẽ còn được tăng lên.

Về mảng sữa chua, Vinamilk vẫn giữ được vị thế thống trị chung và tiếp tục đổi mới để duy trì vị thế của mình trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng. Nhu cầu về sữa chua ở Việt Nam sẽ vẫn tăng. Sữa chua có hương vị thuộc phân khúc cao cấp hơn sẽ có mức tăng trưởng sản lượng cao nhất với sự đổi mới đa dạng về muỗng và sữa chua uống của công ty.

Ngoài kỳ vọng về nhu cầu tiêu dùng hồi phục nhờ đại dịch được kiểm soát. các chuyên gia cũng nhận định Vinamilk sẽ được hưởng lợi nhờ giá nguyên liệu có thể hạ nhiệt trong thời gian tới.

Từ quý I/2021, giá nguyên liệu sữa nhập khẩu vượt đỉnh lịch sử, nhưng mức tăng vẫn tiếp tục duy trì trong năm 2021 do thiếu hụt nguồn cung, giá cước vận chuyển tăng gấp nhiều lần và nhu cầu tích trữ tăng mạnh tại các quốc gia lớn.Theo đó, áp lực giá vốn đang đè nặng lên biên lợi nhuận của VNM trong suốt 1 năm qua.

Theo nhiều dự báo phân tích, tình hình có thể khả quan hơn khi giá bột sữa sẽ hạ nhiệt vào năm 2022 nhờ nguồn cung phục hồi và nhu cầu sữa bột từ Trung Quốc giảm dần (theo VnDirect Research).

Theo Eurostat, sản lượng sữa được dự báo sẽ phục hồi nhờ vào năng suất sản xuất cao hơn trong năm 2022. Bên cạnh đó, Rabo Research dự báo Trung Quốc sẽ hạ tỷ trọng mua và dự trữ bột sữa nguyên kem (WMP) và bột sữa tách béo (SMP) trong năm tới.

Do Trung Quốc là khách hàng lớn nhất trên các thị trường sữa toàn cầu, VnDirect Research cho rằng điều này sẽ làm hạ nhiệt giá bột sữa toàn cầu vào năm 2022 so với mức đỉnh vào quý II/2021.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 14/1: VNM, HAH, KBC

Siêu dự án trang trại bò sữa của Vinamilk (VNM) tại Lào được tăng vốn lên 85,2 triệu USD

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/yeu-to-nao-se-giup-vinamilk-vnm-thoat-canh-loi-nhuan-giam-chan-tai-cho-122942.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Yếu tố nào sẽ giúp Vinamilk (VNM) thoát cảnh lợi nhuận "giậm chân tại chỗ"?
    POWERED BY ONECMS & INTECH