0 đồng và sự hào sảng của người Sài Gòn: Bài 2: Ấm áp những bữa cơm 0 đồng
Từ bao lâu nay, những quán cơm 0 đồng, shop quần áo 0 đồng, nhà trọ 0 đồng, những thùng trà đá, nước suối miễn phí len lỏi khắp các con đường đông đúc tại Sài Gòn, góp phần giúp đỗ những hoàn cảnh khó khăn đang vất cả mưu sinh trong xã hội.
Những bữa ăn, chai nước miễn phí trao cho người nghèo là hình ảnh quen thuộc trên đường phố TP.HCM. |
Mở quán cơm 0 đồng vì đồng cảm với những mảnh đời khó khăn
Dù đã vượt qua 2 năm đại dịch vô cùng khốn khó với nhiều khó khăn chồng chất nhưng những cửa hàng, quán ăn đó vẫn tồn tại một cách mạnh mẽ chứng minh cho nghĩa tình, đong đầy sự yêu thương sự hào sảng, sẻ chia của con người giữa nơi tứ xứ đầy bộn bề lo toan.
Điển hình ở khu vực quận 7, Nhà Bè có hai quán cơm 0 đồng, một quán nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát tại số nhà 1053/12A, do vợ chồng bà Lan làm chủ, quán đã hơn 10 năm hoạt động không mệt mỏi về sức người, tình người và lòng yêu thương. Quán mở cửa từ 11 giờ trưa và kết thúc lúc 13 giờ, những bữa cơm có đầy đủ thịt, cá, rau xào, canh và được đổi liên tục hàng ngày từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 6 cứ đều đặn như vậy.
Bà Lan chia sẻ “ bản thân mình sống quá nửa đời người, đã trải qua không ít những khổ đau, khó khăn, vất vả từ hai bàn tay trắng được sự giúp đỡ yêu thương và che chở, cưu mang của mảnh đất Sài Gòn đầy nghĩa tình đã đưa một cô gái miền Tây chân ướt, chân ráo phải đi làm thuê, đi mua ve chai, phải chiên từng miếng đậu hũ để rao khắp xóm lao động nghèo, mới có được thành quả ngày hôm nay nên bà rất biết ơn đời, biết ơn con người Sài Gòn đầy bao dung và ấm áp. Vợ chồng bà Lan chỉ mong mình có đủ sức khoẻ để tiếp tục chia sẻ sự hào sảng và tình người đến với những người lao động, những con người khắp mọi miền đất nước đến thành phố này mưu sinh,cho bao nhiêu cũng được, miễn vui là được.
Những bữa ăn 0 đồng được trao tận tay cho những lao động nghèo trên đường phố Sài Gòn. |
Còn quán thứ hai nằm ở hẻm 1041 đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, Quận 7. Đây là bếp ăn tập thể do Cô Sen, một cán bộ hưu trí phụ trách quản lý cùng sự hỗ trợ của tổ chức nước ngoài. Mỗi ngày cô Sen cùng các anh chị tình nguyện viên dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu và nấu nướng những món như thịt kho trứng, cá chiên, gà kho gừng và trong tuần sẽ có một ngày là những món ăn như hủ tiếu, phở, bánh canh để đổi món.
Với cái tuổi xế chiều nhưng sức khoẻ cô Sen vẫn còn minh mẫn, mạnh khỏe, mỗi ngày cô thường đạp xe từ 3 giờ sáng để đến bếp ăn và đi chợ. Cô Sen tâm sự “cả đời mình cống hiến cho công việc của nhà nước, cho công tác xã hội nên về già cứ cảm thấy buồn buồn nếu không được làm, không được tiếp tục cống hiến, tôi sẽ cố gắng dùng hết phần đời còn lại đến khi nào hết sức thì thôi. Mình muốn làm từ thiện nhưng mình không có tiền, người ta đã hỗ trợ tiền mình chỉ có bỏ công thôi thì đã quá sướng, mình giúp được dân mình, mình giúp được những người nghèo khó hơn mình, những mảnh đời bất hạnh hơn mình thì niềm vui đó còn gì bằng nữa.
Cô nói cuộc sống này khi đến tuổi về già ta mới thấy những bon chen trong cuộc đời, tiền bạc, danh vọng không phải là giá trị, mà tạo được sự hạnh phúc, niềm vui cho người khác mới thực sự là giá trị sống ở đời. Khi khách đến ăn thì cô Sen và những tình nguyện viên đến từng bàn hỏi han hôm nay buôn bán thế nào, bà nay khoẻ không, chân ông còn đau không, thức ăn có ngon miệng không. Ở quán những suất cơm được đưa tới tận tay còn nóng hổi nghi ngút khói với cái khay thì sạch sẽ, bóng loáng nhưng không còn in những hình ảnh khắc khổ, những gương mặt nhăn nheo nữa mà đó là những nụ cười chan chứa đầy tình yêu thương của người ăn, người được cho và người đang mang lại bữa ăn đúng với cái tên “Bếp yêu thương”.
Bà Bảy, quê Quảng Ngãi vào thành phố HCM bán vé số mưu sinh kể, mỗi khi đi bán ngang qua đây bà đều ghé ăn cơm, nhờ có những quán ăn 0 đồng như thế này mà tôi và những người lao động nghèo khác không phải quá lo lắng về bữa cơm hàng ngày nữa. Bà cảm thấy tình người thật ấm áp và không cô quạnh trên mảnh đất đầy tình người này.
Anh Quyền là thợ sửa xe phía trước cổng bếp ăn cũng bộc bạch, tôi sửa xe ở đây từ khi bếp ăn chưa hình thành đến nay đã mang lại nhiều giá trị tốt đẹp mà chính tôi cũng cảm thấy hãnh diện cho địa phương của mình. Qua hai mùa dịch tôi càng thấy được giá trị tình thân của những người trong bếp ăn, lắm lúc kinh phí cạn tôi tưởng rằng ngọn lửa của bếp yêu thương đã bị dập tắt nhưng không, bếp vẫn luôn đỏ lửa. Vì sửa xe ở trước cổng bếp ăn nên ngày nào tôi cũng tranh thủ buổi sáng vào phụ các cô dọn suất ăn, dọn bàn dọn ghế sau đó cùng ngồi ăn với mọi người, cùng trò chuyện hỏi thăm nhau riết rồi hàng trăm con người, hàng trăm mảnh đời quây quần bữa trưa như một đại gia đình thật lớn.
Còn ở địa chỉ 1107 Hoàng Sa, phường 11, quận 3 thì có quán cơm chay 0 đồng của chị Bình, quán mở cửa mỗi ngày từ 11h đến 14h với 200 suất. Chị chia sẻ “Muốn được cống hiến và đóng góp cho đời những gì đẹp nhất có thể, hơn nữa xung quanh mình còn nhiều người khó khăn hơn nên muốn san sẻ những gì mình đang có”.
Những bữa ăn 0 đồng với đầy đủ dinh dưỡng được những nhà hảo tâm cẩn thận chuẩn bị. |
Shop quần áo 0 đồng cho người nghèo
Nhóm từ thiện Nhân Ái là nơi hội tụ của những con người cùng nhau hướng thiện, họ đến với nhiều ngành nghề khác nhau, có người là bác sĩ, người là kỹ sư, công nhân, nhân viên văn phòng, công nhân, sinh viên… Sau một tuần làm việc thì cuối tuần họ góp lại với nhau rồi cùng nhau làm bánh mì, nấu cơm, cháo, bò kho, hủ tiếu… rồi chia nhau đi đến các ngã đường phân phát cho những người lao động nghèo, người bán vé số, tàn tật, ve chai. Chị Loan – Trưởng nhóm chia sẻ: Chị vốn xuất thân từ nghèo khó, ở quê lên thành phố lập nghiệp và gắn bó đến nay hơn 20 năm nên chị hiểu mỗi phần ăn trong lúc cơ cực nó ý nghĩa và ấm lòng biết bao. Chị nói đùa rằng nhóm chị nợ Sài Gòn biết bao ân tình nên muốn được trả, được gieo càng nhiều sự thiện lành nhất có thể.
Bà Mười – Năm nay 76 tuổi, quê Phú Yên, hàng ngày đi bán bánh tráng trộn để kiếm sống nói: Mỗi lần đi ngang các điểm phát đồ ăn bà đều được phát, các cháu còn hỏi tôi nếu lấy 1 phần mà chưa no thì bà có thể lấy tiếp, tôi xúc động ứa nước mắt.
Ngoài những bếp ăn tình thương, những quán ăn 0 đồng, những quán cháo 0 đồng hay những quán cơm 2000, cung cấp bữa ăn no thì còn có những shop quần áo 0 đồng cũng là một hình thức hỗ trợ những mảnh đời, những con người chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình sẽ sắm một cái áo mới, một cái quần mới, dù là đàn ông hay đàn bà, cực khổ, lo toan thì họ vẫn thích được mặc đồ đẹp, mặc váy hoa, vẫn thích những chiếc túi xách mà các cô, các bà xách lòng vòng trong các trung tâm thương mại, thậm chí là đôi dép da hay một đôi giày cao gót.
Nhưng rồi từ những sự đóng góp chung tay qua những hội từ thiện, những đơn vị tổ chức kêu gọi mà hàng loạt quần áo, váy, giày, dép, túi xách,... được chủ shop quần áo 0 đồng lựa chọn và giặt lại thật sạch rồi cẩn thận treo lên từng hàng. Chị Uyên, chủ shop quần áo 0đ tại cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) chia sẻ mở cửa hàng này nhằm chia sẻ đến cộng đồng với phương châm “Ai cần thì đến lấy, ai dư thì đến cho”.
Dù là shop 0 đồng, nhưng quần áo trong cửa hàng chị Uyên được vệ sinh kỹ và cẩn thận treo lên giá. |
Ở shop 0 đồng của chị Uyên có đầy đủ các thể loại quần áo, từ hàng bình dân cho đến hàng cao cấp, thậm chí hàng hiệu đã qua sử dụng. Mỗi tuần shop của chị Uyên mở cửa vào các ngày thứ 2, 5, 7. Đây không những là nơi cho đi, mà còn là nơi nhận lại những quần áo cũ của những người không có nhu cầu sử dụng nữa mang đến cho những người cần. Không chỉ tại Bình Thạnh, mà thời gian qua trên địa bàn TP.HCM cũng xuất hiện nhiều những cửa hàng giá 0 đồng, nơi người dân có thể quên góp quần áo, vật dụng không dùng đến để tặng những người cần hơn.
Chị Nhung một người mua ve chai dạo nói “Chị không nghĩ ở Sài Gòn phồn hoa nhộn nhịp như vậy, cái gì cũng mua bằng tiền, vậy mà có những bộ quần áo rất đẹp người ta lại cho không như thế này khiến những người lao động nghèo như chị thật sung sướng biết bao. Lần đầu tiên chị lựa được cái váy thiệt đẹp còn rất mới, tiếc không dám mặc chỉ khi nào đi tiệc hay chuẩn bị về quê thì chị mới mang theo mặc.
Chú Tùng chạy xem ôm khẳng khái nói: Tôi hễ mà có ai cần quần áo là tôi chỉ ngay đến cửa hàng quần áo 0 đồng này. Thậm chí áo khoác của tôi mấy năm qua mặc để chạy xe đều từ shop 0 đồng này. Hễ ai đi xe của tôi, tôi cũng nói họ có quần áo dư, quần áo không dùng nữa mà thấy vẫn còn tốt thì cứ đem ra đây để ủng hộ cho shop. Mỗi năm ai có tiền mà không mua vài 3 bộ đồ nhưng có những mảnh đời quá khó khăn thì những bộ đồ ấy lại trở thành những món quà quý giá. Là người Sài Gòn tôi cảm thấy rất tự hào vì ở đây luôn có những con người sẵn sàng dang tay che chở mà không cần nhận lại.
0 đồng và sự hào sảng của người Sài Gòn
Bộ Tài chính đề nghị tăng cường thanh tra kiểm tra hoạt động từ thiện