Vào dịp Tết, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân tăng cao. Nếu không cảnh giác, người dân dễ bị lừa trên mạng xã hội, rơi vào “bẫy” đổi tiền.
Hàng loạt bài viết công khai quảng cáo dịch vụ đổi tiền tràn lan trên mạng, nhưng người dân cần cẩn trọng kẻo "tiền mất tật mang", thậm chí còn vi phạm pháp luật.
Cách nhận biết tiền giả, tiền thật
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để phân biệt tiền giả và tiền thật có thể sử dụng các phương pháp sau đây:
Soi tờ bạc trước nguồn sáng; Vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm); Chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, IRIODIN, hình ẩn nổi); Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn); Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang).
Một đặc điểm khác cần lưu ý là chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi bị kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bong tróc.
Để khẳng định một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả, lấy tờ tiền thật cùng loại so sách tổng thể và kiểm tra các yếu tố bảo an theo các bước nêu trên. Lưu ý phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an (tối thiểu 3 đến 4 yếu tố) để xác định là tiền thật hay tiền giả.
Nhộn nhịp "chợ" tiền mới
Chỉ cần gõ cụm từ "đổi tiền lẻ", "đổi tiền mới" lên thanh tìm kiếm của các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo hay trên Google..., ngay lập tức người dùng sẽ nhận về hàng nghìn bài viết công khai dịch vụ đổi tiền với những lời quảng cáo có cánh "loại gì cũng có, đủ tờ, nguyên seri, nguyên cọc, phí rẻ". Đặc biệt, không ít tài khoản trang mạng xã hội còn mạnh tay chi tiền chạy quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới, nhận "đổ buôn" tiền nhằm thu hút nhiều người quan tâm, giao dịch.
Theo các quảng cáo này, mọi loại tiền đều có sẵn với mức phí đổi linh hoạt theo từng loại tiền và từng thời điểm, phục vụ giao hàng tận nơi, áp dụng cho cả khách hàng ở xa.
Qua tìm hiểu của phóng viên, thời điểm này mức phí đổi tiền mệnh giá lớn như 100.000 - 200.000 đồng dao động từ 3 - 6%, tiền lẻ từ 1.000 - 2.000 đồng từ 10 - 15%. Như vậy, nếu đổi khoảng 2 triệu đồng mệnh giá 2.000 đồng, người dân có thể mất tới 300.000 đồng tiền phí. Đối với khách hàng có nhu cầu đổi tiền số lượng lớn, mức phí này theo quảng cáo sẽ được chiết khấu phải chăng.
Tuy nhiên, với những tờ tiền có số seri đẹp như năm sinh hay mang các yếu tố tâm linh hoặc thời điểm đổi tiền sát Tết, mức phí giao dịch rất hỗn loạn, thậm chí còn lên tới 30 - 35%. Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, trên "chợ" tiền mới còn rao bán cả các đồng tiền hiếm là ngoại tệ của nhiều nước với giá trị gấp nhiều lần mệnh giá thực tế, tùy vào độ độc, lạ của tờ tiền.
Chẳng hạn tờ tiền mệnh giá 2 USD (tương đương gần 50.000 đồng) in hình con mèo, biểu tượng của năm Âm lịch 2023 có giá lên tới 200.000 đồng/tờ. Với những tờ tiền có số seri đẹp, giá bán có thể lên tới hàng triệu đồng.
Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo
Đáng nói, hành vi đổi tiền đã được cảnh báo là trái pháp luật với những quy định cụ thể. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, năm nào tình trạng này cũng nở rộ vào dịp cuối năm, công khai trên các trang xã hội.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN (Quy định hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư chỉ rõ, chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc nhà nước.
Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt.
Việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt lên đến 40.000.000 đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt gấp 2 lần, từ 40.000.000 đồng đến 80.000.0000 đồng.
Thực tế, các hành vi đổi tiền không đúng quy định đã có chế tài xử lý từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do nhu cầu quá lớn của người dân, các hành vi này vẫn diễn ra và chưa thể ngăn chặn được.
Việc đổi tiền lẻ trên mạng như vậy mang tính rủi ro rất cao. Nhiều đối tượng có thể lợi dụng nhu cầu của người dân thực hiện việc đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả.
Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng tránh bị thiệt hại. Việc giao dịch, trao đổi tiền lẻ, an toàn nhất là vào ngân hàng. Chính vì vậy, để không rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người dân dịp Tết khi có nhu cầu nên đến các ngân hàng để thực hiện đổi tiền.
Tăng tiền lương đóng BHXH trong doanh nghiệp từ 1/7/2025?
TỔNG THUẬT: Nội dung hỏi đáp tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11