Nhân viên bị trừ lương vì thừa cân, bị phạt ăn ớt cay và mướp đắng đến nỗi nhập viện khi không đạt KPI
Những hình phạt hà khắc này đã gây xức xúc cộng động.
Một video lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây ghi lại cảnh 7 nhân viên tại một công ty tài chính ở Thành Đô phải ăn hai túi ớt cực cay do không đạt chỉ tiêu (KPI). Hậu quả là hai người nhập viện vì đau bụng và ngất xỉu. Sự việc này đã làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận, phản ánh tình trạng các công ty áp dụng những biện pháp xử phạt phi lý.
Không chỉ dừng lại ở hình phạt ăn ớt, nhiều công ty tại Trung Quốc còn áp dụng các quy định khó tin nhằm kiểm soát nhân viên. Điển hình, một công ty ở Quảng Châu yêu cầu nhân viên đi bộ 180.000 bước mỗi tháng, với mức phạt 1 NDT/bước nếu không đạt. Một nữ nhân viên cho biết, cô chỉ đi được khoảng 2.500 bước mỗi ngày và bị trừ 100 NDT lương hàng tháng.
Tại một công ty bất động sản ở Hà Nam, nhân viên bị ép duy trì cân nặng không vượt quá 10% tiêu chuẩn dựa trên chiều cao, khiến một người phải giảm tới 25kg để đáp ứng yêu cầu. Người này cho biết đã mất 10.000 NDT lương chỉ trong một năm vì không đạt tiêu chuẩn.
Hình ảnh nhân viên một công ty phải ăn mướp đắng. Ảnh: Ngôi sao |
Công ty giáo dục tại Giang Tô từng buộc nhân viên ăn mướp đắng sống như hình phạt. Một nhân viên họ Zhong đã quay lại và đăng tải sự việc lên mạng xã hội, gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Người phát ngôn công ty cho rằng đây là “thỏa thuận tự nguyện” giữa nhân viên và công ty. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng đã phản bác, cho rằng đây là sự bóc lột và nhục mạ nhân viên.
Ở tỉnh Hồ Bắc, một nữ nhân viên bán hàng bị phạt nhảy ếch trên giày cao gót chỉ vì rời chỗ làm vài phút để di chuyển ô tô. Hình phạt này khiến cô bị chấn thương cơ.
Theo luật sư Yuan Yayang của Văn phòng luật DeHeng, các hình phạt kể trên vi phạm nghiêm trọng luật lao động Trung Quốc. Luật pháp quy định nhân viên có quyền đàm phán về hợp đồng và các quy tắc làm việc bất hợp lý, nhưng hầu hết đều e ngại lên tiếng vì sợ mất việc.
Cộng đồng mạng Trung Quốc cũng đồng tình rằng, những hình phạt này không chỉ phản ánh môi trường làm việc độc hại mà còn đi ngược lại quyền cơ bản của người lao động. “Ép buộc người khác ăn thứ họ không muốn là điều đáng lên án”, một cư dân mạng chia sẻ.
Trước đó tại Việt Nam, hình ảnh một nhân viên bị cấp trên bị búng dây chun vào cổ tay đầy đau đớn khi không hoàn thành chỉ tiêu cũng đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về văn hoá làm việc của tập thể này.
Dư luận lên án mạnh mẽ các hình phạt phi nhân đạo tại nơi làm việc, yêu cầu cần có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp trong việc cân nhắc sử dụng biện pháp quản lý phù hợp, tránh gây tổn hại đến nhân viên cả về thể chất lẫn tinh thần.