Trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL vẫn là đề án đang trong quá trình hoàn thiện của Việt Nam. Khi hay tin nước ta sẽ có 9 triệu tấn gạo chất lượng cao, nhiều quốc gia muốn đặt mua đơn hàng lớn.
Gạo ngon có quyền chọn lựa khách hàng
Bàn về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL tại cuộc họp về xuất khẩu gạo của ngành nông nghiệp hồi giữa tuần, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ, khi Việt Nam công bố về đề án, lập tức thế giới tính toán ngay 1 triệu ha này sẽ đem lại xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn gạo chất lượng cao một năm.
“Các quốc gia giật mình và đặt vấn đề họ có được quyền đăng ký thu mua không? Nếu được mua thì phải đặt cọc bao nhiêu? Như Philippines muốn đặt cọc mua 3 triệu tấn, Indonesia 1 triệu tấn”, ông Thuận cho hay.
Theo ông Thuận, 1 triệu ha lúa chất lượng cao ảnh hưởng lớn tới thị trường quốc tế. Khách đặt mua gạo không thiếu, nhưng mỗi thị trường lại có tiêu chuẩn nhất định. Bộ NN-PTNT cần đưa ra các tiêu chí cụ thể, nhất là vấn đề truy xuất nguồn gốc. Làm sao đảm bảo được người nông dân và doanh nghiệp (DN) tuân thủ.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, khẳng định, đây là xu hướng tất yếu, phải làm vì không còn con đường nào khác. Theo bà, thời gian qua chúng ta kỳ vọng làm cánh đồng mẫu lớn, song kết quả chưa đạt. Thế nên, giờ làm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và DN.
Trên thị trường quốc tế, muốn giành được thị phần gạo Việt Nam phải cạnh tranh được bằng giá, bằng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng thương hiệu và uy tín. Do vậy, cần doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến vào đề án.
Bà Tâm cho biết, cách đây 10 năm chúng ta dựa vào một số thị trường nhất định để xuất khẩu. Họ không mua thì gạo không biết bán cho ai. Song, đề án tái cơ cấu ngành đã cải thiện chất lượng gạo Việt Nam. Có gạo ngon chúng ta có quyền lựa chọn thị trường.
Đồng quan điểm, ông Trương Bá Sỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tân Long, nhìn nhận, làm đề án 1 triệu ha lúa, mục tiêu cuối cùng là nâng cao sức cạnh tranh cho gạo Việt. Nhưng, muốn cạnh tranh được cần có sự khác biệt.
“1 triệu ha này phải xác định lợi thế là gì? Là năng suất, chất lượng và chi phí sản xuất”. Ông nói và dẫn chứng, Ấn Độ xuất khẩu gạo top 1 thế giới. Họ chỉ có một giống gạo ngon, còn lại đều là cấp thấp, nhưng chi phí sản xuất rất thấp.
Do đó, theo ông Sỹ, chúng ta cần quan tâm tới vấn đề giống tốt, phù hợp thị trường; tới khâu bảo quản sau thu hoạch, đầu tư bài bản cho logistics; làm tốt công tác thị trường, quảng bá sản phẩm. Khi gạo có chất lượng tốt, giá thành giảm tự nhiên khách sẽ tìm mua, ông cho hay.
Ngoài ra, ông đề cập tới vốn ưu đãi để DN đầu xây dựng nhà máy chế biến sâu, đem lại giá trị gia tăng cao cho hạt gạo Việt. Ông cũng nhắc đến vấn đề sống còn của ngành lúa gạo là liên kết chuỗi, trong đó kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng để phát triển bền vững.
Đừng khoá chặt ở hạt gạo
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, tư duy thị trường là tư duy doanh nghiệp. Các đề án không thành công là do “cơ quan chức năng đi một đường, doanh nghiệp đi một nẻo”. Tức, doanh nghiệp không biết thông tin bộ ngành làm gì, bộ ngành không biết doanh nghiệp đang làm gì. Chúng ta phải đi cùng nhau.
Ông nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng đề án, cần có ý tưởng của DN, vì không ai nhạy bén thị trường bằng doanh nghiệp.
Bộ trưởng Hoan dẫn câu chuyện về sản xuất lúa gạo của Nhật Bản, từ trồng trọt đến thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ gạo. Ông cho rằng, nước ta mới chỉ xuất khẩu gạo, còn người Nhật làm kinh tế ngành hàng lúa gạo, tức từ lúa sang gạo, sản phẩm sau gạo là bột, sau bột là bánh.
"Các DN sắp tới có nghĩ đến chuyện làm như vậy không, bởi từ đó sẽ nâng cao giá trị hạt gạo. Chúng ta hay khoá chặt lại ở từ khoá “gạo”. Phải tư duy theo hướng gạo sẽ không chỉ là lương thực mà còn là mỹ phẩm, là dược phẩm", Bộ trưởng gợi mở.
Theo ông Hoan, những sản phẩm giá trị gia tăng chiếm sản lượng không nhiều, nhưng sẽ giúp tránh được tình trạng bỏ trứng vào một rổ. Hoặc chính những sản phẩm này sẽ tạo thương hiệu cho sản phẩm kia vì khác biệt, vì đặc biệt.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ, chúng ta mới đơn thuần là trồng lúa, trong khi đây là mô hình tích hợp đa giá trị, là kinh tế tuần hoàn. Từ rơm, trấu, cám,... có thể làm được rất nhiều sản phẩm khác, tại sao không tận dụng? Từ đó, doanh nghiệp có lợi nhuận, nông dân không phải bỏ quê ra phố tìm việc.
Dự thảo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao Hình thành 1 triệu ha vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, nâng cao hiệu quả thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam và hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Đề án triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL, tổng diện tích khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa đến năm 2030. Dựa trên các tiêu chí, Bộ NN-PTNT phối hợp với các tỉnh rà soát lựa chọn các vùng dự án cho từng giai đoạn cụ thể từ 2024-2025 và trong giai đoạn 2026-2030. Theo Cục Trồng trọt, đến nay, các địa phương đã đăng ký tham gia, với diện tích hơn 1 triệu ha lúa. |
Năm 2024, thủ phủ công nghiệp Việt Nam dự kiến xuất siêu kỷ lục 10 tỷ USD
Đông dân hơn, chi phí rẻ hơn, vì sao Ấn Độ vẫn chưa thể thay Trung Quốc làm 'công xưởng thế giới'?