Có 4.800 doanh nghiệp bị đưa vào danh sách kiểm tra vi phạm hoá đơn.
Từ ngày 1/07/2022, toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định. Hiện nay, Tổng cục Thuế tiếp tục duy trì, vận hành và nâng cấp hệ thống đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ phát sinh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chính thức công bố việc triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc từ ngày 15/12/2022. Đây là giải pháp cung cấp hóa đơn có kết nối với cơ quan thuế nhằm quản lý doanh thu thực của người bán.
Tổng số tiền xử lý vi phạm về hóa đơn là 199 tỷ đồng |
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, từ khi triển khai đến ngày 15/12/2023 có hơn 38,5 nghìn cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đạt 91% so với kế hoạch, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đã tiếp nhận là trên 84,2 triệu hóa đơn.
>> Lợi ích của việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu
Giới chuyên gia cho rằng việc triển khai hóa đơn điện tử là một bước cải cách lớn trong công tác quản lý thuế, không chỉ thuận tiện mà còn giúp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử để xuất khống, mua bán hóa đơn nhằm trục lợi bất chính.
Để ngăn chặn tình trạng gian lận hóa đơn điện tử, chống thất thu ngân sách nhà nước, ngày 12/4/2023, Bộ Tài chính đã có Công điện số 01/CĐ-BTC chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử.
Tổng số tiền xử lý vi phạm về hóa đơn là 199 tỷ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng là 53 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 89 tỷ đồng; thuế khác là 110 triệu đồng; tiền phạt và chậm nộp là 36 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ là 20 tỷ đồng và giảm hoàn thuế giá trị gia tăng là 962 triệu đồng.
Song song với đó, từ ngày 15/5/2023, Tổng cục Thuế triển khai ứng dụng phân tích rủi ro theo bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn.
Đồng thời, cơ quan thuế đã chuyển hình thức sử dụng hóa đơn từ không mã sang có mã đối với 618 doanh nghiệp, đưa 4.800 doanh nghiệp vào danh sách cần kiểm tra công tác quản lý và sử dụng hóa đơn.
Tổng cục Thuế cũng nghiên cứu áp dụng một số công nghệ mới như: công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích trên dữ liệu hóa đơn điện tử.
"Kết quả, trong quá trình phân tích các chuỗi mua bán thử nghiệm, đối với mặt hàng tinh bột sắn, phát hiện chuỗi doanh nghiệp có rủi ro cao về xuất khống hóa đơn", Bộ Tài chính cho biết.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế triển khai ứng dụng đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai thuế giá trị gia tăng từ ngày 15/5/2023 và triển khai ứng dụng phân tích, đưa ra danh sách xuất khống hóa đơn theo hệ số K phục vụ cho công tác kiểm soát hóa đơn điện tử, ngăn chặn tình trạng xuất hóa đơn khống từ ngày 15/6/2023.
Lợi ích của việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu
Hơn 4.100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán