Việc hàng loạt cổ phiếu chiết khấu giá cực sâu tuy gây thiệt hại rất lớn cho nhiều nhà đầu tư song cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác.
Thị trường kết thúc tháng 4/2022 với mức giảm 8,4% qua đó trở thành tháng giảm sâu nhất trong vòng 2 năm. Cụ thể, VN-Index giảm 125,35 điểm (-8,4%) xuống 1.366,80 điểm; HNX-Index giảm 83,79 điểm (-18,6%) xuống 365,83 điểm.
Việc hàng loạt cổ phiếu chiết khấu giá cực sâu tuy gây thiệt hại rất lớn cho nhiều nhà đầu tư song cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác.
Đầu tiên cần nhìn lại diễn biến điều chỉnh tháng 4 vừa qua, thị trường không phải lặp lại hay đối diện với các rủi ro bất thường nào. Tháng giảm sâu kỷ lục gần nhất là tháng 3/2020 khi VN-Index lao dốc 24,9%.
Thống kê cho thấy riêng trên HOSE, trong vòng 4 tháng đầu năm nay, có tới 225 cổ phiếu điều chỉnh tối thiếu 20% so với giá đỉnh trong thời gian này. Trong số này, 140 mã điều chỉnh trên 30%, thậm chí gần 30 mã "bốc hơi" trên 50% giá trị.
Nỗi ám ảnh này một phần vì cơ cấu nhà đầu tư cũng rất khác biệt. Nếu như giai đoạn tháng 3/2020, chủ yếu là các nhà đầu tư thâm niên phải chứng kiến mức biến động lớn trên thị trường thì 4 tháng đầu năm 2020 lại chủ yếu là các nhà đầu tư mới.
Kể từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2022, thị trường đã xuất hiện thêm khoảng 2,5 triệu nhà đầu tư cá nhân trong nước mới (giả định tương đương với số lượng tài khoản mới mở). Riêng trong 3 tháng đầu năm nay cũng tới gần 700.000 tài khoản mới. Những nhà đầu tư mới thường có thói quen lai vãng các mạng xã hội, nhóm phím hàng, nên những thời ca thán càng bùng nổ.
Điều đáng chú ý là thị trường trong 4 tháng đầu năm nay lại không đối diện với các rủi ro thực sự nào về vĩ mô. Xung đột Nga – Ukraine thực tế ảnh hưởng rất mờ nhạt. Trong khi đó, mức điều chỉnh 20 - 30% ở cổ phiếu thường chỉ xuất hiện với các yếu tố rủi ro mang tính cơ bản. Đây là điều trái ngược khi kết quả kinh doanh quý I/2022 được công bố dồn dập thời điểm hiện tại lại thể hiện một bức tranh lợi nhuận tích cực.
Dĩ nhiên câu chuyện margin và giải chấp là yếu tố nổi bật của nhịp điều chỉnh kỹ thuật mạnh bất thường này. Các nhà đầu tư mới sử dụng đòn bẩy quá nhiều, cầm cố đủ loại cổ phiếu để đầu cơ. Do đó ngoài yếu tố điều chỉnh kỹ thuật thông thường, thị trường đã phải chiết khấu thêm rủi ro từ khối lượng margin này, do đó mức giảm cũng sốc hơn, đặc biệt với nhiều cổ phiếu cụ thể.
Ở bề nổi, mức giảm giá cổ phiếu quá lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư mắc kẹt song lại là cơ hội cho các nhà đầu tư khác, những người thoát ra kịp thời hoặc quản trị rủi ro tốt.
Lợi thế nổi bật là cổ phiếu ngoài điều chỉnh thông thường còn có yếu tố chiết khấu rủi ro giải chấp, nghĩa là sẽ “rẻ” hơn bình thường. Không ít nhà đầu tư tỏ ý lo ngại về mức thua lỗ khiến sức mua trên thị trường suy yếu, nhưng điều đó không đúng.
Thị trường đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố không mang tính cơ bản và đó là cơ hội chứ không phải rủi ro. Tâm lý nhà đầu tư ngắn hạn chỉ chú ý đến các biến động hàng ngày, thông tin tốt xấu xuất hiện tại một thời điểm. Do đó việc đầu cơ lướt sóng sẽ có rủi ro cao, nhưng chiến lược đầu tư cho tầm nhìn dài hạn theo chất lượng cơ bản của doanh nghiệp lại có rủi ro thấp hơn nhiều.
Vì vậy, điều quan trọng nhất với các nhà đầu tư lúc này là xác định một chiến lược đầu tư phù hợp.