32 tháng Trung Quốc trấn áp công nghệ trong nước

17-07-2023 06:05|Du Lam

Từ khi Bắc Kinh dập tắt vụ IPO khủng của Ant Group hồi tháng 11/2020, hàng loạt ‘ông lớn’ công nghệ Trung Quốc đều không tránh khỏi bị trừng phạt.

Nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu trận cuồng phong nhằm vào Big Tech trong nước từ cuối năm 2020, do lo ngại các nền tảng Internet lớn dần mất kiểm soát. Nỗ lực đưa ngành công nghệ vào khuôn khổ của Bắc Kinh đã làm “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường, trói chân một trong những lĩnh vực năng động nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đẩy nhanh quá trình phân cực Mỹ - Trung. Hệ quả, những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc từng ngang ngửa các đối thủ đến từ Mỹ nay đã thu hẹp quy mô đáng kể.

Dưới đây là những cột mốc quan trọng trong 32 tháng trấn áp công nghệ trong nước của Trung Quốc:

Tháng 11/2020

Vụ IPO của Ant Group – tiềm năng lớn nhất thế giới – bị hủy bỏ vào phút chót tại Thượng Hải và Hồng Kông, gây sốc cho cộng đồng đầu tư toàn cầu. Vụ IPO bị dập tắt sau khi nhà sáng lập Alibaba Jack Ma đưa ra phát ngôn gây tranh cãi. Ant Group là công ty công nghệ tài chính (fintech) của Alibaba.

Nhà chức trách nhanh chóng đưa hoạt động của Ant Group vào tầm ngắm của quy định tài chính truyền thống, buộc gã khổng lồ phải tái cấu trúc nội bộ.

Trong bài phát biểu tại hội nghị Bund Summit tại Thượng Hải ngày 24/10/2020, đồng sáng lập Alibaba Jack Ma gây tranh cãi khi so sánh các ngân hàng Trung Quốc như tiệm cầm đồ. (Ảnh: Weibo)

Cuối tháng 11, 27 hãng Internet lớn bị triệu tập, bao gồm Tencent, Meituan, ByteDAnce và Alibaba, để nghe yêu cầu chấn chỉnh các hoạt động bị cáo buộc độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, hàng giả hàng nhái. Cơ quan Điều tiết thị trường nhà nước (SAMR) công bố hướng dẫn chống độc quyền trên Internet.

Tháng 12/2020

Tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương hàng năm, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc nhấn mạnh phải ngăn chặn “mở rộng vốn mất trật tự”, mục tiêu nhằm kiềm chế sức ảnh hưởng và quy mô của big Tech. Thông điệp mà các nhà đầu tư và doanh nhân nhận được là thời kỳ tăng trưởng nóng của ngành công nghiệp Internet đã kết thúc.

Vào đêm Giáng sinh, SAMR thông báo chính thức mở cuộc điều tra chống độc quyền vào Alibaba.

Tháng 4/2021

Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc phạt Alibaba số tiền kỷ lục 18,2 tỷ NDT (2,8 tỷ USD), tương đương 4% doanh thu năm 2019 vì lợi dụng “vị thế chi phối trên thị trường dịch vụ nền tảng bán lẻ trực tuyến Trung Quốc từ năm 2015”. Sau đó, cơ quan chống độc quyền triệu tập 34 hãng công nghệ, bao gồm Alibaba, Tencent, Meituan, đến cuộc họp và yêu cầu họ chú ý đến trường hợp của Alibaba.

Tháng 7/2021

Nhà quản lý bắt đầu xem xét lại các vụ sáp nhập từ đầu những năm 2000 và phạt Big Tech vì không báo cáo các giao dịch nhất định để phục vụ đánh giá chống độc quyền. Ít nhất 22 khoản phạt, mỗi khoản 500.000 NDT – đối với Alibaba, Tencent và Didi Global đã được ban hành.

Do đó, các thương vụ M&A của Big Tech đã chững lại. Các công ty bắt đầu thoái vốn khỏi các thương vụ đầu tư trước đó để thu hẹp bảng cân đối kế toán.

Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) mở cuộc điều tra chưa từng có vào Didi do vi phạm an ninh quốc gia và dữ liệu, chỉ hai ngày sau khi Didi IPO trên sàn chứng khoán New York. Quyết định mở ra một mặt trận mới trong cuộc trấn áp Big Tech, khiến các vụ IPO khác của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ tạm dừng.

Didi bị cấm cho người dùng đăng ký trên ứng dụng chính. Hai tháng sau, Luật an ninh dữ liệu Trung Quốc có hiệu lực.

Tháng 10/2021

Trung Quốc phạt Meituan 3,4 tỷ NDT vì lợi dụng vị thế thị trường thông qua hành vi cưỡng ép “chọn một trong hai”, buộc các người bán hàng ký thỏa thuận độc quyền. Số tiền phạt tương đương 3% doanh thu nội địa của Meituan năm 2020.

Tháng 1/2022

Cơn cuồng phong có dấu hiệu dịu lại khi nhà chức trách đưa ra hướng dẫn thúc đẩy phát triển kinh tế nền tảng (platform economy) bền vững và lành mạnh. Nó tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh trong việc trấn áp độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh và lạm dụng dữ liệu, song gửi thông điệp tích cực bằng cách công nhận vai trò của Big Tech trong nền kinh tế và khuyến khích sự phát triển của họ.

Tháng 5/2022

Phó Thủ tướng Lưu Hạc nói với một số CEO công nghệ rằng, chính phủ sẽ hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực này và niềm yết công khai (IPO), làm dấy lên hy vọng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua.

Tháng 7/2022

CAC phạt Didi Global 8 tỷ NDT do vi phạm dữ liệu, chấm dứt cuộc điều tra kéo dài 1 năm.

Tháng 12/2022

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Hội nghị Công tác trung ương tại Bắc Kinh. Hội nghị kết luận các nền tảng Internet sẽ được hỗ trợ để “phô bày trọn vẹn năng lực” trong kích thích kinh tế, tạo công ăn việc làm và cạnh tranh quốc tế.

Tháng 1/2023

Didi Global được khôi phục đăng ký mới trên ứng dụng sau khi được CAC phê chuẩn. Cũng trong tháng này, Ant Group và 13 nền tảng khác cho biết, họ về cơ bản đã hoàn thành khắc phục kinh doanh dưới sự hướng dẫn và giám sát của các cơ quan quản lý tài chính.

Tháng 7/2023

2,5 năm đã trôi qua từ khi chính phủ hủy diệt vụ IPO của Ant Group. Cuối cùng, Ant Group bị phạt tổng cộng 7,1 tỷ NDT do vi phạm quy định liên quan đến “quản trị doanh nghiệp và bảo vệ tài chính cá nhân”. Động thái được người trong ngành đánh giá là khép lại cuộc trấn áp công nghệ của Trung Quốc.

Sau đó, Thủ tướng Lý Cường đề nghị hỗ trợ các công ty công nghệ lớn tại một hội nghị chuyên đề, trong khi Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia khen ngợi Alibaba, Tencent và Meituan vì những đóng góp của họ với tăng trưởng và tiến bộ kinh tế của đất nước.

(Theo SCMP)

Ngành bán dẫn Trung Quốc chứng kiến thành tựu ấn tượng bất chấp khó khăn

Tỉnh rộng nhất vùng Đồng bằng sông Hồng lọt ‘mắt xanh’ của tập đoàn xây dựng đến từ Trung Quốc

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/32-thang-trung-quoc-tran-ap-cong-nghe-trong-nuoc-2165781.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    32 tháng Trung Quốc trấn áp công nghệ trong nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH