4 thói quen ăn uống đang âm thầm làm giảm tuổi thọ của bạn
Những thói quen này sẽ khiến tuổi thọ của chúng ta bị rút ngắn.
Ăn uống là việc không thể thiếu trong cuộc sống, tuy nhiên có nhiều thói quen ăn uống xấu nhiều người mắc phải mà không biết. Dưới đây là 4 thói quen ăn uống bạn nên sớm từ bỏ, tránh gây hại cho sức khỏe và tuổi thọ.
Ăn đồ quá nóng
Ngày càng nhiều nghiên cứu chứng minh rằng việc đồ ăn nóng và căn bệnh ung thư vùng miệng, ung thư đường ruột liên quan với nhau. Vách ngăn đường ruột tương đối mỏng, thường chỉ có thể chịu được nhiệt độ thức ăn từ 50 đến 60 độ C, nếu vượt qua ngưỡng nhiệt độ này thì vách ngăn này sẽ bị tổn thương.
Khi nhiệt độ của thức ăn lên tới khoảng 70 đến 80 độ C, đặc biệt là khi chúng ta uống trà, nhiệt độ này có thể lên tới 90 độ C, gây tổn thương nặng nề cho đường ruột, thực quản, lâu dần có thể dẫn đến ung thư. Nếu bạn thường xuyên uống canh nóng thì hệ thống tiêu hóa cũng như đường ruột sẽ ngày càng bị tổn thương nặng nề.
Theo Thạc sỹ y tế công cộng Vũ Thị Tuyết Mai của Bộ Y tế cho biết rằng: “Khi ăn nóng quá có thể bị bỏng môi, lợi, niêm mạc miệng, lưỡi, họng, thực quản. Vết bỏng có thể gây lở loét, nhiễm khuẩn rất đau. Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn quá nóng là một trong những nguyên nhân gây ung thư thực quản.”
Ngoài ra, các Cơ quan Nghiên cứu Ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo mới nhất. Cảnh báo rằng việc ăn uống đồ nóng trên 65 độ C dễ làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Điều này được đánh giá như một chất gây ung thư loại 2A.
Bạn nên từ bỏ thói quen kể trên và chỉ nên tiêu thụ các thực phẩm chế biến nóng ở nhiệt độ dưới 50 độ C, việc ăn uống đồ ấm có lợi cho hoạt động dạ dày và tốt cho sức khỏe.
Ăn quá nhanh
Ăn quá nhanh thực sự là một thói quen không tốt đối với sức khỏe. Trước hết khi nhai, các tuyến nước bọt bắt đầu hoạt động, cơ thể được thông báo sẽ được cung cấp thức ăn và tạo thêm thời gian chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa, nếu ăn quá nhanh thậm chí không kịp thưởng thức mùi vị của thức ăn thì thức ăn chưa được nghiền nát hoặc chưa thực sự nhỏ, khi xuống dạ dày mất nhiều thời gian hơn mới tiêu hóa được thức ăn làm tăng gánh nặng cho dạ dày.
Nếu ăn nhanh trong một thời gian dài có thể gây ra tình trạng đau dạ dày và làm dây thần kinh vị giác vẫn ở trạng thái hưng phấn, kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến vị giác. Mặt khác, khi ăn nhanh, nuốt vội vàng khiến cho thức ăn khó di chuyển hơn qua đường tiêu hóa, không hấp thu dinh dưỡng cần thiết và tăng cảm giác cồng kềnh hoặc chướng bụng sau khi ăn.
Việc ăn nhanh làm tăng nguy cơ béo phì do cơ thể sẽ ngừng tiết hormone có nhiệm vụ thông báo lên não khi dạ dày đã đầy. Cảm giác no ở dạ dày phải mất 20 phút mới được thông tin đầy đủ đến não. Nếu ăn nhanh, rất dễ xảy ra tình huống là ăn nhiều thức ăn hơn mức cần thiết trước khi nhận ra là mình đã no, sau đó thấy quá no không thể kiểm soát được lượng thức ăn vào cơ thể. Đây cũng là hệ lụy của rất nhiều bệnh do lượng thức ăn vào cơ thể liên tục khiến cơ thể không kịp xử lý gây ra tình trạng ứ đọng chất béo, đường... từ đó ảnh hưởng đến sự điều tiết insullin và hậu quả là làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường.
Do vậy, để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cần ăn chậm nhai kỹ để thức ăn được nghiền nhỏ hơn, làm tăng diện tích tiếp xúc của thức ăn, giúp cho thức ăn được tiêu hóa triệt để hơn. Các chất dinh dưỡng được hấp thu tốt hơn và dạ dày cũng làm việc bớt cực nhọc hơn. Từ việc nhai kỹ thức ăn, có thể tiết kiệm được lượng thức ăn mỗi ngày, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm bớt gánh nặng cho dạ dày mà vẫn đảm bảo đủ năng lượng.
Chỉ ăn thứ mình thích
Đối với những người thường chỉ chọn ăn loại thức ăn mình yêu thích, không ăn uống đa dạng, lâu ngày sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng, suy giảm khả năng miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ. Vì vậy, bạn nên ăn đa dạng thực phẩm và kết hợp hợp lý.
Chế độ ăn luôn cần phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và đa dạng. Không đảm bảo đủ số lượng và chất lượng ăn cho cơ thể và nếu như thiếu thì cơ thể sẽ rất mệt mỏi và gây ra nhiều bệnh. Việc ăn uống thiếu khoa học sẽ gây nên hủy hoại các chức năng của nội tạng. Cơ thể chúng ta nên nạp đủ các chất dinh dưỡng thì mới có đủ sức khỏe để làm việc cũng như duy trì sức khỏe hằng ngày.
Chế độ dinh dưỡng hoặc thực đơn ăn uống không đủ chất sẽ làm cho cơ thể mất đi sự cân bằng làm giảm khả năng nhận thức và trí nhớ của não. Ngoài ra, ăn uống không khoa học sẽ khiến cơ thể giảm đi nguồn năng lượng mỗi ngày khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, hiệu suất lao động kém.
Uống ít nước
Một nghiên cứu từ tạp chí The Lancet cho thấy, mất nước có thể góp phần làm lão hóa nhanh hơn và rút ngắn tuổi thọ. Mặt khác, những người lớn tuổi được cung cấp đủ nước có thể sống lâu hơn những người không được cung cấp đủ nước và ít gặp các biến chứng về sức khỏe như bệnh tim và phổi.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nồng độ natri cao hơn 144 milimol mỗi lít có liên quan đến việc tăng 21% nguy cơ tử vong sớm. Nồng độ natri từ 142 milimol trên một lít trở lên có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh mãn tính cao hơn 39%.
Điều này có nghĩa là những người có nồng độ natri huyết thanh từ 142 milimol/lít trở lên có nguy cơ tử vong sớm hoặc mắc bệnh mãn tính cao hơn. Vì vậy, theo nghiên cứu, bị mất nước mãn tính có thể rút ngắn tuổi thọ của bạn.
Uống ít nước làm tăng nồng độ natri và kích thích tiết hormone tác động lên thận, dẫn đến việc bài tiết nước tiểu cô đặc hơn. Mức độ tăng cao liên tục của các hormone này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các mô khác trong cơ thể, dần dần làm suy yếu chức năng của chúng và dẫn đến lão hóa nhanh.
Mặc dù giữ đủ nước không phải là chìa khóa duy nhất để sống lâu, nhưng đó chắc chắn là một bước đi đúng hướng để có một cơ thể khỏe mạnh hơn.
5 loại rau củ vừa ngon vừa rẻ lại là “lá chắn” chống ung thư hiệu quả
Nguyên nhân khiến tài xế đạp nhầm chân ga khi lái xe ô tô: Đây là cách khắc phục cần biết
Bỏ ngay thói quen ‘ngoáy mũi’ nếu không muốn chịu hậu quả nghiêm trọng này