5 cách dùng biến mật ong trở thành chất cực độc với sức khỏe, gây đau bụng, tiêu chảy: Cách đầu tiên rất nhiều người mắc phải
Mật ong rất nhiều dinh dưỡng nhưng sẽ trở thành chất cực độc nếu dùng theo 5 cách này.
Mật ong được so sánh như "cao lương" của hàng trăm loại hoa, chứa đựng một lượng lớn dưỡng chất có tác dụng trong việc chăm sóc sức khỏe và bồi bổ cơ thể. Theo lương y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội, mật ong là sự kết hợp độc đáo giữa các loại đường và một số thành phần khác.
Về thành phần carbohydrate, mật ong chủ yếu chứa fructose (khoảng 38,5%) và glucose (khoảng 31%). Ngoài ra, các loại carbohydrate khác như maltose và carbohydrate hỗn hợp cũng được tìm thấy trong mật ong. Mật ong còn chứa một lượng nhỏ các hợp chất chức năng, bao gồm chrysin, pinobanksin, vitamin C, catalase và pinocembrin. Thành phần cụ thể của mật ong phụ thuộc vào loại hoa mà ong đang hút mật từ.
Lương y Sáng mô tả, trong Đông y, mật ong được xem là một loại "thuốc" rất tốt cho sức khỏe, có thể được sử dụng để điều trị các vấn đề như ho, đau dạ dày, và dành cho những người có vấn đề về huyết áp và sức khỏe suy giảm. Tuy nhiên, khi sử dụng mật ong, việc tránh kết hợp với một số loại thực phẩm khác là rất quan trọng, vì có thể gây hại cho sức khỏe.
6 đại kỵ nhất định phải tránh khi sử dụng mật ong
1. Mật ong kỵ nước sôi
Mật ong pha với nước ấm rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên không nên pha mật ong với nước sôi. Mật ong pha trong nước sôi có thể không duy trì được màu sắc, mùi vị tự nhiên mà còn phá vỡ những thành phần dinh dưỡng. Lượng vitamin và enzyme trong mật ong cũng sẽ không được bảo toàn.
2. Mật ong kỵ đậu phụ
Việc kết hợp đậu phụ cùng mật ong sẽ gây ra những tác động tiêu cực với sức khỏe. Nguyên nhân là các khoáng chất, protein thực vật, axit hữu cơ trong đậu phụ nếu kết hợp với enzym trong mật ong sẽ xảy ra phản ứng sinh hóa, không tốt cho cơ thể.
3. Mật ong kỵ lá hẹ
Theo dân gian, dùng hẹ và mật ong hấp lên lấy nước uống là cách trị ho cho an toàn cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Cách này chỉ có tác dụng nếu trẻ có hệ tiêu hóa ổn định. Hẹ chứa nhiều vitamin C, khi kết hợp với mật ong có thể gây ra tiêu chảy.
4. Mật ong kỵ hành
Các axit hữu cơ có trong mật ong gặp phải axit amin trong hành sẽ gây ra phản ứng sinh hóa, gây hại cho cơ thể. Nặng nề hơn có thể sản sinh ra chất độc, gây kích thích ruột khiến người dùng bị tiêu chảy.
5. Mật ong kỵ với cua
Mặc dù khả năng tương khắc giữa mật ong và cua không mạnh mẽ như cá chép và cá diếc, nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo không nên kết hợp chúng. Cua là loại động vật có tính hàn mạnh, do đó việc sử dụng mật ong cùng với cua có thể gây kích thích đường ruột và gây tiêu chảy ngay sau khi tiếp xúc với cơ thể nếu ăn nhiều.
6. Mật ong kỵ bình kim loại
Không nên để mật ong trong bình kim loại như sắt, đồng hay nhôm vì mật ong có tính axit yếu, khi tiếp xúc với kim loại sẽ xảy ra phản ứng hóa học, gây phân tách sắt, nhôm và kẽm. Điều này sẽ làm giảm chất lượng của mật ong và khiến nó dễ gây đau bụng khi ăn, nhiễm độc kim loại nếu sử dụng lâu dài. Để bảo quản tốt nhất, nên đựng mật ong trong bình thủy tinh hoặc gốm sứ.
Những người không nên dùng mật ong
Chia sẻ trên SKĐS, BS Vũ Hồng cho biết mặc dù mật ong có tác dụng rất tốt với sức khoẻ nhưng các trường hợp sau lại không nên dùng:
- Phụ nữ đang mang thai.
- Người bị huyết áp thấp hoặc đường máu thấp.
- Người mới phẫu thuật, người bị xơ gan, đái tháo đường (tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nội tiết), rối loạn chức năng tiêu hoá (mật ong có tác dụng nhuận tràng những người cơ địa dễ đi ngoài, viêm đại tràng mạn, hội chứng ruột kích thích, đang bị đi ngoài và hay đầy bụng thì không nên dùng).
- Người có tiền sử dị ứng với một số thành phần của mật ong.
- Trẻ dưới một tuổi không nên ăn mật ong vì dễ gây phản ứng dị ứng.
Trên đây là những thực phẩm đại kỵ với mật ong cũng như những người không nên ăn mật ong. Hãy sử dụng mật ong đúng cách nhé.
Kinh nghiệm phân biệt mật ong thật - giả
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mật ong rừng hay mật ong nuôi không pha trộn đều có giá trị dinh dưỡng bồi bổ sức khỏe, chữa bệnh và làm đẹp. Điều đáng ngại là mua phải mật ong giả, hay mật ong đã bị pha, nhiễm tạp chất.
Hạn chế đối với mật ong nuôi là vào mùa mưa đàn ong không thể bay đi lấy mật, người nuôi buộc phải bổ sung thức ăn như đường để duy trì sự sống cho ong. Ngoài ra ong nuôi thường dễ mắc bệnh, để cứu đàn ong, người nuôi thường phải sử dụng kháng sinh để chữa bệnh cho chúng. Vì vậy, sự lựa chọn tốt nhất là mua được mật ong rừng.
Theo kinh nghiệm, mật ong rừng thường có đặc điểm mật có bọt, tạo khí gas, có lớp váng phấn hóa bám ở miệng chai. Còn mật ong nuôi thường ít khi bị tạo khí gas. Mùi của mật ong nuôi hầu như là ít thơm hơn. Về độ sánh, mật ong rừng loãng hơn mật ong nuôi.
Để phân biệt mật ong nguyên chất và mật ong pha nước đường, bạn có thể thử bằng cách thông dụng nhất là khi mua mật về chiết một ít cho vào ngăn làm đá tủ lạnh. Sau 3h-5h, nếu mật đông cứng lại như đá chứng tỏ mật toàn là nước đường. Nếu đông nửa chai thì đó là mật pha nước đường hoặc là mật ong nuôi cho ăn đường lượng đường lớn. Mật không đông lại tức là mật ong nguyên chất.
Hoặc có thể sử dụng 1 tờ giấy, sau đó để ở nơi mà kiến thường xuyên xuất hiện. Nếu là mật ong thật kiến sẽ không vào ăn vì trong mật ong thật có chất kháng sinh kiến không dám ăn. Ngược lại, mật ong giả chứa toàn đường, chất tạo ngọt nên sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của kiến.