Nhà đầu tư đang đối mặt với 5 thách thức thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một "ngày thứ hai đen tối". Đã rất lâu rồi, thị trường chứng khoán mới chứng kiến một phiên mà hàng loạt cổ phiếu ngả nghiêng, giảm sàn trong lực bán tống-bán tháo của giới đầu tư.
Sẽ không thể cắt nghĩa hết vì sao thị trường chứng khoán lại vận hành theo cách "kỳ cục", vừa hồi phục ngoạn mục 34 điểm từ đáy hôm trước lại giảm bù ngay 45 điểm vào ngày hôm sau nhưng thị trường luôn luôn đúng và nhà đầu tư phải học cách chấp nhận điều đó-dù đau.
Đi tìm lý do chứng khoán giảm điểm, chúng tôi nhận thấy có 5 điểm nhà đầu tư cần chú ý.
Thứ nhất: Tâm lý lo ngại
Phiên ngày 29/9 là phiên mấu chốt tạo ra tâm lý này. Vào ngày Việt Nam công bố số liệu GDP quý 3/2022 với các con số rất tích cực, dòng tiền đầu tư đã thờ ơ đứng ngoài. Sau khoảng nửa năm lãi khó kiếm-lỗ dễ tìm trên thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư đã bớt đi lạc quan bất chấp số liệu vĩ mô đẹp. Dòng tiền đã không lựa chọn chứng khoán khi mọi thứ có vẻ như hoàn hảo nhất: số liệu vĩ mô đẹp và thị trường đã giảm gần 30% từ đỉnh. Điều đó có nghĩa là, thị trường đang cần một động lực khác. Phiên giảm sốc sau đó đã làm nhiệm vụ "sale off, kích cầu" nhưng vẫn chưa kéo được nhà đầu tư. Chính vì thế, cú sập 45 điểm đã xảy ra.
Không chỉ thế, thông tin ca bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện đầu tiên ở TP. HCM đang tạo ra nỗi lo mơ hồ khác cho nhà đầu tư.
Thứ 2: Lãi suất huy động cao
Đây cũng là một mấu chốt quan trọng giải thích cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán suy yếu. Nhiều ngân hàng hiện nay đã nâng mức lãi suất huy động tiền lên 7-8%. Mức lãi suất này đủ hấp dẫn cho những nhà đầu tư đã mệt mỏi với việc cứ vào lệnh là lỗ.
Thứ ba: Lãi suất cho vay margin tăng
Như một tác động dây chuyền từ lãi suất ngân hàng tăng thì chi phí vốn để thực hiện cho nhà đầu tư vay của các công ty chứng khoán cũng cao. Việc này khiến công ty chứng khoán nâng lãi suất cho nhà đầu tư vay lên đến hơn 12%/năm. Như vậy có thể tính sơ sơ, để lợi hơn gửi tiết kiệm ngân hàng thì nhà đầu tư cần lãi trên 20%/năm-điều này-với mọi nhà đầu tư đều quá khó. Chính vì thế, lựa chọn gửi tiết kiệm có vẻ là lựa chọn dễ thở nhất.
Thứ tư: Lo ngại từ kinh tế toàn cầu tác động
Như chúng ta đã thấy thì thị trường tài chính toàn cầu đang trong một vòng lốc xoáy, ảnh hưởng liên tục, khó lường đến toàn cầu. Trong cơn lốc xoáy hiện tại, nhiều người đang nhớ về sự kiện Lehman Brothers tan vỡ khoảng 15 năm trước. Các tổ chức tài chính toàn cầu đang loay hoay trong cuộc chiến tranh tiền tệ kiểu mới. Có quá nhiều điều để nói về bối cảnh toàn cầu nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất nhà đầu tư cảm thấy là có quá nhiều yếu tố khó lường đang liên tục chờ đợi phía trước.
Thứ năm: Giới đầu tư đã kiệt quệ?
Một năm với những cú lừa đảo nghìn tỷ từ tài chính đen, tiền ảo, trái phiếu "ponzi"... đang bào mòn túi tiền của nhà đầu tư. Nhiều người đã kiệt quệ nguồn lực tài chính, đợi cơ hội giảm bớt thua lỗ. Tiền mới không vào, tiền cũ ra hoặc ngồi im một chỗ chờ ăn theo sóng thị trường khiến thị trường kiệt quệ.Những nhà đầu tư lớn cũng không quá mặn mà. Động lực tìm kiếm tài sản giá rẻ để gom mua của giới giàu dường như chưa khởi động do lo ngại giảm phát dài hạn đang thách thức toàn cầu.
Triển vọng các ngành trong quý IV/2022: Điện tươi sáng, bất động sản - xây dựng gặp khó?
Từ 1/1/2025, đô thị đặc biệt nhất Việt Nam sẽ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
Sắp có hầm xuyên núi dài 4.280m kết nối sân bay Cam Ranh tới hòn ngọc biển Đông của Việt Nam