Tin vui: Lương tối thiểu vùng có thể tăng 7,2% ngay đầu năm sau
Phương án điều chỉnh này vừa được Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất và sẽ được trình Chính phủ xem xét thông qua.
Theo báo Dân trí đưa tin, sáng 11/7, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã hoàn tất việc thống nhất phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2026 tại phiên họp thứ hai. Phương án này sẽ được trình Chính phủ xem xét thông qua.
Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết có 13/16 thành viên hội đồng bỏ phiếu tán thành với đề xuất điều chỉnh. Sau quá trình trao đổi, phân tích các kịch bản dựa trên bối cảnh kinh tế, các thành viên đã đạt được sự đồng thuận cao về tỷ lệ điều chỉnh tăng 7,2%, thời điểm áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khương, mức tăng này được đánh giá là phù hợp với tình hình hiện tại, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, đồng thời bám sát định hướng chiến lược quốc gia trong giai đoạn tới. Ông nhấn mạnh: “Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 là 7,2%, thời điểm tăng là ngày 1/1/2026”.
Cụ thể, lương tối thiểu vùng I sẽ tăng từ 4,96 triệu đồng/tháng lên 5,31 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng, tương đương 7,1%); vùng II từ 4,41 triệu đồng/tháng lên 4,73 triệu đồng/tháng (tăng 320.000 đồng, 7,3%); vùng III từ 3,86 triệu đồng/tháng lên 4,14 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng, 7,3%) và vùng IV từ 3,45 triệu đồng/tháng lên 3,7 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng, 7,2%).
Báo Chính phủ đưa tin, ngay sau phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng 7,2% từ ngày 1/1/2026 đã đáp ứng được kỳ vọng của tổ chức công đoàn. Đây là mức tăng thể hiện sự hài hòa giữa nguyện vọng của người lao động và khả năng chia sẻ từ phía doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi.
Ông nhấn mạnh, dù phần lớn doanh nghiệp hiện đang trả lương cao hơn mức tối thiểu, nhưng việc điều chỉnh này vẫn có ý nghĩa nhất định trong việc cải thiện đời sống cho nhóm lao động thu nhập thấp. Mức lương tối thiểu là căn cứ quan trọng để thiết lập mặt bằng lương cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong thị trường lao động.
“Tôi tin rằng mức lương này sẽ tiếp thêm động lực cho người lao động làm việc tích cực hơn, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và hướng tới những chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn trong tương lai”, ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.

Sau khi Chính phủ chính thức ban hành quyết định về mức lương tối thiểu vùng năm 2026, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động đồng thuận và nỗ lực hơn trong công việc, qua đó góp phần phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Ở góc độ đại diện giới sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia – cho rằng, khi mức lương tăng, doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh về tổ chức lao động, nâng cao năng lực quản trị, phân bổ công việc hiệu quả hơn và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để giữ vững năng suất.
Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ cùng các doanh nghiệp triển khai các chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và giúp doanh nghiệp thích nghi với các tiêu chuẩn mới trong bối cảnh kinh tế ngày càng đổi mới”.
>> Chỉ 6 ngày nữa, mức lương tối thiểu vùng sẽ có sự thay đổi lớn, người lao động chú ý