Các chuyên gia đã đưa ra một số kiến nghị để đối phó với rủi ro kinh tế thế giới trong năm 2023.
Để đối phó với rủi ro suy thoái kinh tế thế giới trong năm 2023, cũng như tăng tính tự lực, tự cường, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị 5 nhóm giải pháp chính sách như sau.
Một là, tiếp tục bám sát, dự báo tình hình kinh tế, tài chính – tiền tệ quốc tế để có phương án ứng phó kịp thời; nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng. Theo đó, quan tâm đảm bảo 4 cân bằng: giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá, giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Hai là, quyết liệt cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa các thị trường, đối tác xuất khẩu trong bối cảnh các thị trường chính tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái, tận dụng tốt hơn các FTAs đã ký kết.
Ba là, có đề án, giải pháp cụ thể để tháo gỡ 3 vướng mắc, khó khăn chính hiện nay của doanh nghiệp là pháp lý (nhất là trong các lĩnh vực đất đai, bất động sản, xây dựng, đấu thầu...), tiếp cận vốn (nhất là qua kênh trái phiếu doanh nghiệp và điều hành tín dụng hợp lý), lao động (nhất là đối với các lĩnh vực chịu tác động giảm mạnh đơn hàng như dệt may, da giày, điện tử, gỗ...).
Bốn là, xây dựng chiến lược, giải pháp cụ thể để tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam, trong đó cần tập trung ưu tiên một số vấn đề như: chất lượng tăng trưởng (trong đó có năng suất lao động); đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn; phát triển cân bằng thị trường tài chính, quan tâm quản lý rủi ro hệ thống tài chính và rủi ro liên thông giữa tài chính – bất động sản; tăng mức độ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng nội lực, mức độ nội địa hóa các yếu tố đầu vào; xây dựng chiến lược an ninh năng lượng; khung phòng chống rủi ro, gồm cả kịch bản khi tình huống xấu xảy ra...v.v.
Năm là, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, bao gồm cả cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho những vấn đề hiện tại và xây dựng hành lang pháp lý (kể cả cơ chế thử nghiệm - sandbox) phục vụ phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vừa là để bắt kịp xu thế, vừa là tận dụng cơ hội và góp phần vượt qua thách thức hiện nay và sắp tới.