Vĩ mô

TS. Cấn Văn Lực: Muốn tăng trưởng 9-10%, đầu tư toàn xã hội không nhất thiết phải bằng 40% GDP

Minh Anh 21/07/2025 - 07:13

TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, đầu tư toàn xã hội nên giảm xuống 37% GDP mà vẫn đảm bảo tăng trưởng cao nếu sử dụng vốn hiệu quả hơn – tức là thay đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất thay vì chỉ dồn vốn.

Thế giới bất định, nhưng cơ hội cho Việt Nam vẫn hiện hữu

Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF), mới đây, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định đúng "bối cảnh mới", đặc biệt trong trung và dài hạn.

Ông cảnh báo về sự gia tăng của rủi ro bất định toàn cầu khiến đà tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại – từ mức 3,3% giảm còn 2,5% theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới. Cùng lúc, lạm phát thế giới tăng mạnh từ mức 2% lên 2,5 – 3%.

TS. Cấn Văn Lực: Muốn tăng trưởng 9-10%, đầu tư toàn xã hội không nhất thiết phải bằng 40% GDP
TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Ảnh: Trọng Hiếu.

>>>TS. Cấn Văn Lực: TP.HCM cần phát triển thành 'Siêu đô thị đa trung tâm' kết nối vùng như Seoul, Thượng Hải

Hai rủi ro dài hạn cũng được TS. Lực đặc biệt lưu ý là biến đổi khí hậu và thay đổi cơ cấu dân số học – những yếu tố có thể làm xói mòn nền tảng tăng trưởng nếu không được xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, vị chuyên gia khẳng định chúng ta không bi quan vì thế giới vẫn còn 3 thuận lợi cơ bản mà Việt Nam có thể tận dụng:

Thứ nhất, khoa học – công nghệ, đặc biệt là AI và chuyển đổi số, mở ra không gian phát triển mới.

Thứ hai, sức chống chịu của kinh tế toàn cầu và Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt sau đại dịch và các cú sốc toàn cầu.

Thứ ba, cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái định hình, tạo dư địa mới nếu Việt Nam hành động nhanh và khôn ngoan.

Tái cấu trúc tăng trưởng: Không chỉ là vốn, mà là hiệu quả

Theo TS. Lực, tăng trưởng cao trong giai đoạn tới bắt buộc phải gắn với bền vững trên 4 trụ cột: Kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường. Đặc biệt, Việt Nam cần xem xét lại cơ cấu nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sử dụng vốn và khả năng chống chịu nội tại, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Về hiệu quả sử dụng vốn, TS. Cấn Văn Lực dẫn mô hình thành công của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) – những nền kinh tế tăng trưởng cao nhưng luôn duy trì hệ số ICOR (hiệu quả đầu tư) không vượt quá 4 lần. Trong khi đó, ICOR của Việt Nam từng có giai đoạn lên tới 6–7 lần, cho thấy đầu tư nhiều nhưng hiệu quả chưa tương xứng.

Về tài lực, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, muốn tăng trưởng 9-10%, đầu tư toàn xã hội không nhất thiết phải bằng 40% GDP.

"Đây là mô hình cũ rồi, hiện nay phải hiệu quả hơn, ít vốn nhưng tăng trưởng cao, Chúng tôi kiến nghị giảm tỷ lệ này xuống tầm 37% GDP, nếu tăng được năng suất lao động và sử dụng vốn hiệu quả, chúng ta có thể đạt được tăng trưởng như mong muốn”, TS. Lực nhấn mạnh.

Ông Lực chỉ ra rằng, hiện nay tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa nhiều vào vốn (chiếm 49–50%), trong khi năng suất lao động đóng góp khoảng 5% và yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp 45%.

TS. Cấn Văn Lực: Muốn tăng trưởng 9-10%, đầu tư toàn xã hội không nhất thiết phải bằng 40% GDP
Với cái cách làm mới của chúng ta, chỉ cần 37% vốn so với GDP, có thể đạt được cái mức tăng trưởng như mong muốn.

>>>TS. Cấn Văn Lực tiết lộ bí quyết giúp GDP Việt Nam 2025 bứt tốc mạnh mẽ, vượt xa dự báo quốc tế

Để chuyển sang mô hình tăng trưởng bền vững và hiệu quả hơn, ông kiến nghị: Nâng tốc độ tăng năng suất lao động lên ít nhất 6,5 – 7%/năm trong giai đoạn 2026–2030, tương đương mức tăng của Đài Loan thời kỳ bứt phá; Tăng tỷ trọng đóng góp của TFP từ 45% hiện tại lên 55 – 60% đến năm 2045.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng không thể tiếp tục "tuần tự tiến lên" như trước kia. Thay vì đi theo lộ trình 3Y (Đầu tư – Nhập công nghệ – Đổi mới sáng tạo) một cách tách rời, Việt Nam cần thực hiện cả "3Y đồng thời", ngay từ bây giờ.

"Lý do vì sao? Nếu chậm, Việt Nam sẽ tiếp tục lỡ cơ hội trong cuộc đua tăng trưởng. 3Y đồng thời là mô hình phù hợp hơn trong bối cảnh AI, chuyển đổi số và cạnh tranh toàn cầu đang ngày một gay gắt", TS Lực nêu rõ.

Huy động nguồn lực từ thể chế và trong dân

Bên cạnh ba đột phá truyền thống (thể chế, hạ tầng, nhân lực), TS. Lực đề xuất hai đột phá chiến lược bổ sung: Khoa học công nghệ và chuyển đổi số: Không chỉ là xu hướng, mà là điều kiện sống còn để Việt Nam cạnh tranh; Chống lãng phí và tiết kiệm nguồn lực: Phải đưa vào chiến lược quốc gia, chứ không chỉ dừng ở các khẩu hiệu tuyên truyền.

“Không thể chỉ kêu gọi tiết kiệm, mà phải thiết kế chiến lược chống lãng phí như một chính sách quốc gia chủ đạo”, TS. Lực nói.

Để hiện thực hóa các chiến lược tăng trưởng, “nguồn lực thể chế” đóng vai trò tối quan trọng. Cơ chế, chính sách cần thông thoáng, minh bạch, dễ thực thi, trở thành lực đẩy chứ không là vật cản.

Ông cũng nhấn mạnh: Việt Nam cần sớm chú ý huy động nguồn lực trong dân (vàng, tiết kiệm) và phát triển thị trường tín chỉ carbon – lĩnh vực có thể đem lại nguồn thu lớn nếu được vận hành đúng cách; Cải cách mạnh mẽ khu vực tài chính, đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn cho đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng, ông lưu ý về nguy cơ khủng hoảng bong bóng khi tăng trưởng nóng, nhất là ở hai thị trường dễ "sốt ảo" là tài chính và bất động sản. Ông dẫn chứng: 70% khủng hoảng kinh tế trên thế giới đều bắt nguồn từ hai thị trường này.

Các giải pháp ông đề xuất bao gồm: Đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn nước; Kiểm soát chặt thị trường tài chính, bất động sản; Kiên định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, trong đó đặc biệt chú trọng đến kiểm soát ô nhiễm ở hai đầu tàu Hà Nội và TP.HCM – nơi đang đối mặt với thách thức môi trường nghiêm trọng.

>>>TS Cấn Văn Lực: 'Tư duy chính sách không chỉ nuôi lớn doanh nghiệp tư nhân, mà phải nâng họ thành doanh nghiệp dân tộc'

Đàm phán thương mại khởi sắc, UOB tăng dự báo GDP Việt Nam thêm 0,9 điểm %

Vì sao Việt Nam cần GDP tăng trưởng hai con số?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ts-can-van-luc-muon-tang-truong-9-10-dau-tu-toan-xa-hoi-khong-nhat-thiet-phai-bang-40-gdp-296993.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    TS. Cấn Văn Lực: Muốn tăng trưởng 9-10%, đầu tư toàn xã hội không nhất thiết phải bằng 40% GDP
    POWERED BY ONECMS & INTECH