8 điều nhất định phải kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo năm 2025
Khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ cần lưu ý và kiêng kỵ những vấn đề sau để thể hiện sự thành kính, mang lại nhiều may mắn.
Tết ông Công ông Táo năm nay rơi vào thứ Tư, ngày 22/1/2025 (Dương lịch). Đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trước Tết Nguyên đán, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Theo truyền thuyết, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị thần bếp núc.
Hàng năm, vào dịp này, các gia đình thường làm lễ tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời để báo cáo những sự việc xảy ra trong năm qua. Thời gian cúng ông Công ông Táo thường diễn ra từ ngày 19 đến 23 tháng Chạp (tương ứng 18-22/1/2025 Dương lịch).
Theo chuyên gia phong thủy, khung giờ vàng cúng ông Công ông Táo như sau: 7h10 đến 8h50 (ngày 19/12); 5h10 đến 6h50 (ngày 20/12); 7h10 đến 8h50 (ngày 21/12); 7h10 đến 8h50 (ngày 22/12) và 5h10 đến 6h50 (ngày 23/12).
Khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ cần lưu ý và kiêng kỵ những vấn đề sau để thể hiện sự thành kính, mang lại nhiều may mắn.
Mặc quần áo thiếu chỉnh tề
Người thực hiện lễ cúng cần mặc trang phục lịch sự, kín đáo, sáng màu và tránh các kiểu ăn mặc hở hang; đồng thời, cần giữ tâm thái hoan hỉ và thân thể thanh sạch để tạo năng lượng tích cực.
Cúng quá sớm hoặc quá muộn
Không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm hoặc vào ngày Rằm tháng Chạp. Lễ cúng cần hoàn thành trước 23h đêm ngày 23 tháng Chạp. Nếu cúng muộn hơn, các Táo có thể không kịp lên chầu trời, dẫn đến "phạm húy".
Dọn dẹp bàn thờ trước khi cúng
Trước khi tiến hành lễ cúng, gia chủ không được bao sái, rút chân nhang hay dọn dẹp bàn thờ. Việc này chỉ được thực hiện sau khi đã tiễn ông Công ông Táo.
Đặt mâm cúng tùy tiện
Tùy theo phong tục và quan niệm dân gian từng vùng, các gia đình thường bày biện mâm cúng ông Công ông Táo ở những nơi khác nhau. Vì nghĩ ông Táo là thần bếp nên một số gia đình chọn đặt mâm cỗ cúng ở dưới bếp.
Tuy nhiên, chuyên gia phong thủy cho rằng, gia chủ chỉ nên đặt mâm cỗ trên bàn thờ của gia đình. Đây là nơi kết nối tâm linh giữa hai thế giới âm dương, người trần với tổ tiên, thần linh.
Cúng tiền âm phủ
Bạn không nên mua, đốt quá nhiều vàng mã, cốt ở đủ đầy. Theo tích xưa, các Táo ở đây là 2 Táo ông và một Táo bà, vì thế gia chủ cần chuẩn bị đủ 3 bộ mũ áo vàng mã.
Tùy theo từng địa phương mà khi cúng ông Công ông Táo có nơi dâng ngựa vàng mã đầy đủ yên cương. Song ở hầu hết nơi thì người dân chuẩn bị 3 con cá chép thật hoặc 3 con cá chép giấy để thay thế.
Không nên mua quá nhiều cá chép thật, nếu có ý định thả phóng sinh thì nên có kế hoạch từ trước để chọn nơi thả phóng sinh cho phù hợp. Tuyệt đối không thả cá ở nơi ô nhiễm, sình lầy hay ao tù nước đọng.
Ném cá chép từ trên cao xuống
Việc phóng sinh cá mang ý nghĩa nhân văn khi hành động này được thực hiện đúng cách, con vật còn sống khỏe mạnh. Nếu không quan tâm đến chuyện sống còn của chúng thì nghi lễ này không còn ý nghĩa.
Khi thả, chúng ta nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nilon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Hoặc, đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống, hoặc thả cá bừa bãi ra những nguồn nước bẩn.
Cầu xin tài lộc, sung túc
Táo quân lên thiên đình chỉ để trình báo sự việc ở hạ giới, không phải để ban phát tài lộc. Vì vậy, gia chủ chỉ nên cầu xin ông Táo báo cáo những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng.
Một số món ăn kiêng kỵ trong mâm lễ
Khi chuẩn bị mâm lễ cúng ông Công ông Táo, cần tránh một số món ăn được xem là kiêng kỵ như các món làm từ thịt bò, thịt chó, thịt vịt, thịt ngan hay thịt chim...
* Thông tin chỉ mang tính chiêm nghiệm, tham khảo
>> Muốn đón năm mới Ất Tỵ trọn vẹn bình an, hãy tuyệt đối kiêng kỵ 5 điều sau trong tháng Chạp