9 trận động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum trong ngày 22/9, nguyên nhân vì sao?
Trong sáng và trưa 22/9, tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum đã xảy ra tới 9 trận động đất. Trận lớn nhất ghi nhận được lên tới 4.4 độ.
Chiều 22/9, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết khoảng 12h47 trưa nay, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra một trận động đất mạnh 3 độ.
Sáng cùng ngày, Viện vật lý địa cầu đã phát đi liên tục 8 bản tin động đất được ghi nhận tại khu vực huyện Kon Plong có cường độ từ 2,6 đến 4,4 độ, trong đó trận lớn nhất 4,4 độ xảy ra lúc 7h45.
Người dân những vùng lân cận như huyện Kon Rẫy, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) cũng cảm nhận được rung chấn.
Các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai. Song, Viện Vật lý địa cầu vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến động đất.
Trước đó vào ngày 21/9, tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum cũng đã xảy ra 2 trận động đất với cường độ lần lượt 2.7 và 2.9 độ.
Ảnh: Viện Vật lý địa cầu
Theo nhận định của Viện Vật lý địa cầu, động đất ở huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) có thể mạnh tới 5,5 độ.
Tại Việt Nam, các trận động đất có độ lớn (M) từ 2 - 2,9 và 3 - 3,9 được đánh giá là các trận động đất yếu.
Động đất mạnh từ 2 - 2,9 không gây thiệt hại cho các công trình xây dựng. Một số người cảm nhận được rung động rất nhẹ. Còn động đất từ 3 - 3,9 có thể nhận thấy các đồ vật trong nhà rung động nhưng hiếm khi gây thiệt hại.
Các trận động đất từ 4 - 4,9 được đánh giá là các trận động đất nhẹ. Khi xảy ra động đất, các đồ vật trong nhà rung động và phát ra tiếng ồn. Nhiều người cảm nhận thấy động đất. Nhìn chung không gây nên thiệt hại hoặc thiệt hại nhẹ.
Thủy điện Sông Tranh. Ảnh: Nangluongvietnam.
Cơ quan chức năng đã kết luận các trận động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum là động đất kích thích do hồ chứa thủy điện. Các trận động đất loại này có tính chu kỳ, có thời điểm xảy ra dồn dập nhưng có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.
Đến nay, tỉnh Kon Tum đã có 8 trạm quan trắc động đất được lắp đặt tại các khu vực của Thủy điện Thượng Kon Tum và Thủy điện Đắk Đrinh (huyện Kon Plong).
Thời điểm 2012, 2013 - khi tích nước, thủy điện Sông Tranh 2 đã từng gây ra cả trăm vụ động đất dồn dập tương tự tại Kon Tum bây giờ. Sau đó, cũng chính các nhà khoa học tại Viện Vật lý địa cầu cho biết thủy điện này được xây dựng trên đới đứt gãy có tên Hưng Nhượng - Tà Vy và Tam Kỳ - Phước Sơn.
Chính vì vậy, khi các hồ chứa của thủy điện tích nước, tạo áp lực lên các đứt gãy vỏ bề mặt trái đất, gây ra động đất. Theo các nhà khoa học là không nên làm hồ chứa nước lớn trên đới đứt gãy.
Cuối năm nay, Việt Nam sẽ đón thêm một sân vận động đạt chuẩn quốc tế
Mỗi ngày người dân gửi ngân hàng hơn 2.800 tỷ đồng, đạt kỷ lục mới trong tháng 8