Năm 1993, số lượng nhà bỏ trống đã tăng lên 4,48 triệu căn và trong vòng 30 năm qua, con số này đã tăng gấp đôi.
Số lượng nhà bỏ trống ở Nhật Bản đã tăng lên gần 9 triệu sau nhiều thập kỷ, đặc biệt khi dân số khu vực nông thôn nước này giảm.
Theo thông tin từ chính phủ Nhật Bản ngày 30/4, mức số nhà bỏ trống ở nước này đã leo thang lên mức kỷ lục mới, đạt khoảng 9 triệu căn tính đến tháng 10/2023, tăng thêm 510.000 căn so với cuộc khảo sát gần đây nhất vào năm 2018. Cuộc khảo sát này được tiến hành mỗi 5 năm một lần bởi Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản.
Tính tới tháng 10 năm trước, tỷ lệ nhà bỏ trống chiếm 13,8% tổng số nhà ở trên cả nước, đây là một tỷ lệ kỷ lục, cho thấy mỗi khoảng 7 ngôi nhà thì có một ngôi nhà không có người ở.
So với năm 1973, khi chỉ có khoảng 1,72 triệu căn nhà bị bỏ trống, chiếm khoảng 5,5% tổng số nhà ở cả nước, con số này đã tăng lên 4,48 triệu căn vào năm 1993 và gấp đôi trong vòng 30 năm qua.
Dữ liệu cũng cho thấy trong số 9 triệu căn nhà bỏ trống, có 4,43 triệu căn được rao cho thuê, 330.000 căn rao bán và 380.000 căn được chủ sở hữu coi như nhà thứ hai, chỉ dùng để nghỉ dưỡng. Tình trạng của 3,85 triệu căn còn lại không được xác định.
Tình trạng nhà bỏ trống đặc biệt phổ biến ở các vùng nông thôn Nhật Bản, nơi nhiều ngôi nhà nông thôn thuộc quyền sở hữu của những người sống ở các thành phố lớn. Họ thừa kế những ngôi nhà này từ người thân, nhưng không có ý định hoặc khả năng cải tạo chúng.
Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các chủ nhà phải cải tạo, phá dỡ, bán hoặc tìm cách tái sử dụng những ngôi nhà này. Họ cũng đã ban hành luật để cảnh báo cho các chủ nhà bỏ trống.
Dữ liệu từ chính phủ Nhật Bản vào tháng 2 cũng cho thấy tỷ lệ sinh ở nước này đã giảm xuống mức thấp mới vào năm 2023, khi số lượng người tử vong cao gấp đôi so với số người sinh.
Dân số của Nhật Bản đến tuổi trưởng thành đạt đỉnh cao vào năm 1970 với 2,46 triệu người. Sau đó, số này đã giảm dần nhưng vẫn duy trì ở mức khoảng 2 triệu người vào đầu những năm 1990, khi những người sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số lần thứ hai (baby boom - từ năm 1971 đến 1974) đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, từ đó đến nay, con số này liên tục giảm đi.
*Theo Nikkei, AFP