Năm 2020, lãi thuần từ dịch vụ thanh toán mang về cho Agribank 4.071 tỷ đồng, cách biệt so với BIDV là hơn 700 tỷ đồng và Vietcombank là gần 1.200 tỷ đồng.
Trong những ngày vừa qua, thông tin các "ông lớn" ngân hàng như Vietcombank, BIDV đồng loạt thông báo miễn phí hoàn toàn cho các giao dịch chuyển khoản online từ 1/1/2022 đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng đang sử dụng dịch vụ tại các ngân hàng này.
Trước đó vào tháng 5/2021, Agribank cũng tuyên bố miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước kể cả giao dịch trực tiếp lẫn online.
Đây là nước đi bất ngờ của các “ông lớn” khi dịch vụ thanh toán là mảng mang lại hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm cho các ngân hàng này, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập hoạt động (dao động từ 40 - 79% tại các ngân hàng), cao hơn nhiều so với các ngân hàng tư nhân.
Vietcombank, ngân hàng từng tiên phong trong chính sách thu phí, thu từ dịch vụ thanh toán có xu hướng tăng đều đặn trong những năm gần đây, từ con số hơn 1.000 tỷ đồng năm 2016 đã tăng lên hơn 2.800 tỷ đồng sau 5 năm và chiếm hơn 68% trong tổng thu nhập dịch vụ của nhà băng này.
Trong năm 2020, doanh thu từ dịch vụ thanh toán của Vietcombank đạt hơn 6.000 tỷ đồng nhưng do chi phí cho mảng này lớn nên lãi thuần chỉ đạt 2.825 tỷ đồng.
Trong khi đó tại BIDV, tuy doanh thu của ngân hàng này chỉ bằng hơn một nửa Vietcombank nhưng mức chi phí thấp đã khiến lãi thuần từ dịch vụ thanh toán tăng gần 21% trong năm 2020, bất chấp đại dịch mang về 3.289 tỷ đồng, chiếm 62,4% trong tổng lãi thuần từ dịch vụ.
Lãi thuần của VietinBank ở mức thấp hơn so với hai ngân hàng trên nhưng cũng duy trì xu hướng tăng trong năm 2020 từ 1.457 tỷ đồng lên 1.740 tỷ đồng, tương đương tăng 19%.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là Agribank, ít ai biết rằng nhà băng này mới là ngân hàng đứng đầu bảng thu từ dịch vụ thanh toán.
Ngay từ khi chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì doanh thu và lãi thuần từ mảng dịch vụ thanh toán của Agribank vẫn vượt qua cả Vietcombank, dẫn đầu về các nguồn thu dịch vụ trong hệ thống.
Năm 2020, lãi thuần từ mảng này mang về cho Agribank 4.071 tỷ đồng, cách biệt so với BIDV là hơn 700 tỷ đồng và Vietcombank là gần 1.200 tỷ đồng. Ngay cả trong 6 tháng đầu năm 2021, thu nhập từ mảng này cũng không hề sụt giảm với lãi thuần đạt 2.111 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, có thể thấy nguồn thu từ dịch vụ thanh toán đều đem lại cho các ngân hàng lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Việc lựa chọn hy sinh mảng thu nhập từ thanh toán cho thấy các "ông lớn" ngân hàng dường như đang tính toán một nước đi mới cho mình.
Việc miễn phí chuyển khoản online là bước đi mới của nhóm “Big4” nhằm thực hiện mục tiêu tăng quy mô khách hàng cũng như tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ 0,1%/năm. Đây là nguồn vốn giá rẻ từng mang lại lợi thế rất lớn cho một số ngân hàng cổ phần, mà khởi đầu chính sách "zero fee" là Techcombank. Việc miễn phí các giao dịch chuyển tiền sẽ khiến các khách hàng tích cực mở mới và sử dụng tài khoản thanh toán nhiều hơn.
Tỷ lệ CASA càng lớn cho thấy ngân hàng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng.
Chính sách này cũng đã tạo nên một cuộc đua "miễn phí" trong nhóm các ngân hàng cổ phần sau đó.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi thanh toán của dân cư ngày càng tăng qua các năm. Tính đến cuối quý III/2021, tổng số tài khoản thanh toán cá nhân đã được mở tại các ngân hàng là hơn 110 triệu tài khoản và số dư đạt hơn 794.000 tỷ đồng.
Bị cưỡng chế thuế 787 tỷ đồng, Thảo Cầm Viên Sài Gòn chỉ còn 70 tỷ đồng tiền mặt và gửi ngân hàng
Tổng Giám đốc Phạm Toàn Vượng được giao phụ trách Đảng bộ Agribank