Dù mới thành lập năm 2021 nhưng Công ty CP Phú Thịnh Vân Đồn vừa được giao làm chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Vân Đồn 500 tỷ đồng ở Vân Đồn, Quảng Ninh. Câu hỏi đặt ra là ai đứng sau đơn vị “sơ sinh” này?
Công ty “sơ sinh” được giao làm chủ đầu tư dự án 500 tỷ
Ngày 9/3/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 610/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Vân Đồn, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh.
Cụm công nghiệp có diện tích thành lập 52,58ha và được chia làm 4 khu. Ngành nghề hoạt động sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường tủ, bàn ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất khí công nghiệp; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu; sản xuât sản phẩm từ khoáng phi kim loại chưa được phân vào đâu; sản xuất giường tủ, bàn ghế; công nghiệp chế biến chế tạo khác; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại; các dịch vụ xử lý, gia công kim loại theo hướng chuỗi liên kết ngành.
UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho chủ đầu tư thực hiện là Công ty CP Phú Thịnh Vân Đồn (Phú Thịnh Vân Đồn). Đáng chú ý, Phú Thịnh Vân Đồn là cái tên hoàn toàn mới mẻ trên thị trường khi chưa tròn 1 năm tuổi.
Phú Thịnh Vân Đồn thành lập ngày 10/6/2021. Công ty có trụ sở tại Trung tâm điều hành Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh, phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Ngành nghề hoạt động kinh doanh chính là xây nhà, vận tải hành khách, lắp đặt hệ thống xây dựng chuyên dựng…
Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là ông Bùi Xuân Tờ sinh năm 1956. Vốn điều lệ của công ty là 150 tỷ đồng với 3 cổ đông gồm Ông Bùi Xuân Tờ (sở hữu 40% vốn điều lệ), ông Phạm Văn Trường nắm giữ 25%, ông Phạm Ngọc Thanh nắm giữ 35% vốn điều lệ.
Hệ sinh thái đứng sau Tổng giám đốc
Nhìn vào cơ cấu cổ đông của Phú Thịnh Vân Đồn, có thể thấy, chủ nhân của công ty bao gồm ông Bùi Xuân Tờ, ông Phạm Văn Trường và ông Phạm Ngọc Thanh. Tuy nhiên, đứng sau Tổng giám đốc Bùi Xuân Tờ là cả hệ sinh thái.
Ngoài Phú Thịnh Vân Đồn, ông Bùi Xuân Tờ còn là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Công nghiệp Cẩm Thịnh (Công nghiệp Cẩm Thịnh). Công ty cũng có địa chỉ ở Khu Trung tâm điều hành cụm công nghiệp Cẩm Thịnh, Phường Cẩm Thịnh, Thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh, giống như Phú Thịnh Vân Đồn. Công ty thành lập ngày 13/4/2018. Vốn ban đầu của công ty là 34 tỷ đồng, sau đó tăng lên 162 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Cựu chiến binh Quảng Ninh, Công ty cổ phần Tập đoàn Kinh tế Hạ Long, ông Bùi Xuân Tờ, ông Phạm Ngọc Thanh và ông Trịnh Văn Thao là các cổ đông của Công nghiệp Cẩm Thịnh.
Dù đã hoạt động lâu năm nhưng Công nghiệp Cẩm Thịnh lại có bức tranh tài chính không hề sáng sủa. Trong năm đầu thành lập, công ty chỉ đạt doanh thu 0 đồng. Bước sang năm thứ 2019 và 2020, doanh thu tăng mạnh lên 4,5 tỷ đồng và 8,9 tỷ đồng nhưng đây vẫn là những con số rất nhỏ so với quy mô vốn trăm tỷ đồng. Kết quả là năm 2019 và 2020, công ty thua lỗ 3 tỷ đồng và 3,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù hoạt động kinh doanh bết bát nhưng nợ vay của công ty lại rất lớn. Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng nợ phải trả của công ty lên đến 382 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 71% tổng nguồn vốn.
Công nghiệp Cẩm Thịnh đã đi vay rất nhiều. Đối tác tín dụng lớn nhất của công ty là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Quảng Ninh.
Ngày 12/3/2019, thời điểm Công nghiệp Cẩm Thịnh hoạt động chưa tròn 1 năm, BIDV – Chi nhánh Quảng Ninh lần đầu cấp tín dụng cho Công nghiệp Cẩm Thịnh. Tài sản đảm bảo là “Quyền yêu cầu thanh toán từ các hợp đồng cho thuê, lợi ích thu được từ việc kinh doanh, khai thác và các khoản phải thu, các khoản phí mà Công ty cổ phần Công nghiệp Cẩm Thịnh thu được trong quá trình đầu tư kinh doanh và phát triển Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh do Công ty cổ phần công nghiệp Cẩm Thịnh làm chủ đầu tư theo Quyết định số 3979/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông số 02-2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 03/12/2018 của Công ty cổ phần công nghiệp Cẩm Thịnh.
Sau đó 5 tháng, BIDV – Chi nhánh Quảng Ninh cấp cho Công nghiệp Cẩm Thịnh khoản vay trị giá 150 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là “Các quyền tài sản là quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm phát sinh từ Hợp đồng thuê đất số 43/HĐ-TĐ ký ngày 22 tháng 03 năm 2019 giữa Công ty cổ phần Công nghiệp Cẩm Thịnh và UBND tỉnh Quảng Ninh (đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh); Quyền hưởng các khoản lợi, lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của Quyền sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật trên đất phát sinh từ Hợp đồng thuê đất số 43/HĐ-TĐ ký ngày 22 tháng 03 năm 2019 giữa Công ty cổ phần Công nghiệp Cẩm Thịnh và UBND tỉnh Quảng Ninh (đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh); Nhà ở, công trình xây dựng khác được xây dựng, không được chứng nhận quyền sở hữu như: công trình phụ trợ nằm ngoài phạm vi công trình chính (Khu trung tâm điều hành của dự án) và để phục vụ cho việc quản lý, sử dụng, vận hành công trình chính; các tài sản gắn liền với đất khác mà pháp luật chưa có quy định về chứng nhận quyền sở hữu như: bể nước; sân; tường rào; cột điện; trạm điện; trạm bơm, hệ thống phát, tải điện; hệ thống hoặc đường ống cấp thoát nước sinh hoạt; trạm xử lý nước thải, đường nội bộ và các công trình phụ trợ khác”.
Năm 2021, BIDV – Chi nhánh Quảng Ninh tiếp tục cấp tín dụng cho Công nghiệp Cẩm Thịnh. Tài sản đảm bảo lần này là “Quyền thụ hưởng bảo hiểm từ các hợp đồng bảo hiềm; Các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh do Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh làm chủ đầu tư theo Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 09/03/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông số 01/2021/NQ-ĐHĐCĐ ngày 08/04/2021 của Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh”.