Anh nông dân Hải Dương sang Hà Lan học lỏm bí quyết chăn nuôi lợn, lên đời kiếm tiền tỷ nhờ… bán phân
Anh Bùi Mạnh Cường, một nông dân đến từ xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã chia sẻ mô hình chăn nuôi lợn thành công của mình.
Từ nhiều năm trước, anh Cường đã có dịp sang hà Lan và tìm hiểu về mô hình làm đệm lót sinh học ở trang trại gà. Nhận thấy công nghệ này có thể áp dụng được vào chăn nuôi tại Việt Nam, sau quá trình học hỏi và nghiên cứu, anh đã áp dụng vào mô hình nuôi lợn của mình ở địa phương. Anh chia sẻ, chỉ với việc bán phân lợn qua đệm lót sinh học, số tiền anh thu về cũng lên đến tiền tỷ. Nhờ những hiệu quả thực tế, năm 2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã vinh danh Bùi Mạnh Cường là Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Thời gian bắt đầu, anh Cường đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và rủi ro như dịch bệnh ở lợn, giá thịt bán ra thấp mà nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lại cao. Gặp thời tiết không thuận lợi, cơn bão số 3 hoành hành, trang trại của anh thua lỗ vài tỷ, xung quanh anh rất nhiều người cũng không duy trì được. Tuy nhiên trong quá trình đó, anh cũng được UBND huyện Cẩm Giàng công nhận sản phẩm Nho Thành Đông của mình đạt OCOP 3 sao.
Sản phẩm Nho Thành Đông của Bùi Mạnh Cường được công nhận đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Báo Hải Dương |
Chia sẻ về mô hình chăn nuôi lợn, anh Cường khẳng định rằng để đạt được hiệu quả, việc áp dụng thử nghiệm làm đệm lót sinh học vào chăn nuôi quy mô lớn là rất quan trọng, giúp việc chăn nuôi thành công. Cơ duyên từ 2014, khi anh được một tập đoàn Hà Lan mời tham quan mô hình nuôi gà, lợn. Khi trải nghiệm, anh nhận thấy chuồng gà không hề có mùi, tìm hiểu và biết được rằng nhờ đệm lót sinh học, phân gà sẽ được xử lý từ men vi sinh và chất độn chuồng. Điều này giúp chuồng trại sạch sẽ và hạn chế dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Học hỏi là vậy nhưng thực tế, anh phải mất tới 2 năm mới có thể áp dụng thành công. Bắt đầu từ chuồng 500m2 với đàn lợn con, 2/3 diện tích chuồng anh dành để làm đệm lót sinh học, 60cm nền để mùn cưa cộng với men vi sinh xử lý chất thải.
Tuy nhiên khi áp dụng với lợn to thì hiệu quả không tốt, chất thải nhiều khiến đệm lót bết, không xử lý được. Việc đảo đệm lót lại làm thủ công, phải đầu tư công nhân, lại mất thời gian. Khi đó, anh Phạm Văn Hát, chuyên gia sáng chế máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp ở huyện Tứ Kỳ (cũng trong tỉnh Hải Dương) đã được anh tìm đến, sử dụng áp dụng máy cày vào để đảo đệm lót, mang đến hiệu quả. Từ 2018 đến nay, anh đã áp dụng mô hình này trên 8000m2 trang trại chăn nuôi lợn, 1/3 chuồng làm nền bê tông, 2/3 chuồng làm đệm lót.
Mô hình chuồng trại chăn nuôi lợn thịt của Bùi Mạnh Cường. Ảnh: Báo Hải Dương |
Khi bán lợn ở các lứa sau, công nhân phân bổ lại phân chuồng từ những khu vực có nhiều sang những nơi ít, sau đó tiến hành cày đảo để trộn đều. Tiếp theo, họ rắc men vi sinh, cày đất và tưới nước. Thông thường, sau mỗi đợt bán lợn, lớp đệm lót sẽ lún xuống từ 20–30 cm. Khi đó, công nhân bổ sung thêm trấu, tưới nước, và rắc men để làm phẳng lại mặt nền bê tông. Trong quá trình chăm sóc, những chỗ bị lún sẽ được bổ sung thêm trấu để duy trì độ bằng phẳng. Nền đệm lót được kiểm tra thường xuyên để điều chỉnh độ ẩm phù hợp. Tùy theo mức độ, có thể sử dụng tưới phun sương hoặc tưới bằng vòi để đảm bảo lớp đệm không quá khô, tránh gây bụi ảnh hưởng đến hệ hô hấp của lợn.
Anh Bùi Mạnh Cường chia sẻ, mô hình đệm lót sinh học này rất tiết kiệm chi phí chăn nuôi, thay nền sinh học bằng nền bê tông giúp đỡ tốn chi phí xây dựng, lại xử lý chất thải, bảo vệ được môi trường và giảm thiểu bệnh cho đàn vật nuôi.
Chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh học giúp tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Báo Hải Dương |
Mô hình này chủ yếu đầu tư vào các nguyên liệu độn chuồng như trấu, mùn cưa, men xử lý, đều là nguyên liệu rẻ, an toàn, lại tốn ít chi phí nước, điện để vệ sinh và ủ ấm chuồng trại. Đệm lót này sau 4 năm mới thay mới, lúc đó có thể sử dụng cho bà con nông dân trồng trọt, cày cấy rất hiệu quả. Số tiền từ việc bán phân bón sinh học cũng đã mang lại cho anh cả tỷ đồng.