Theo CEO quỹ đầu tư Temasek, Dilhan Pillay Sandrasegara, các nước Đông Nam Á cần hợp tác để phát triển một thị trường kỹ thuật số duy nhất nhằm thúc đẩy làn sóng tăng trưởng tiếp theo cho các công ty công nghệ trong khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN đang diễn ra tại Jakarta (Indonesia), ông Sandrasegara nhận xét nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á có thể so sánh với Ấn Độ về quy mô thị trường. Kinh tế số ASEAN có “triển vọng rất tốt” do thu nhập bình quân đầu người cao hơn.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ASEAN là một "thị trường phân mảnh", không chỉ ở nền văn hóa, ngôn ngữ và quy định đa dạng mà "mức độ sẵn có của Internet và khả năng chi trả khác nhau. Sự thiếu đồng nhất này khiến ASEAN trở thành một thị trường tương đối thách thức vì nó đặt ra rào cản gia nhập”.
Dù vậy, CEO Temasek cho rằng việc phát triển "một thị trường kỹ thuật số chung" trong khu vực là "nguồn cảm hứng đáng để phấn đấu" vì cả doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ việc xóa bỏ các rào cản đối với các hoạt động trực tuyến xuyên biên giới, chẳng hạn như có quyền truy cập vào các dịch vụ, hàng hóa tốt hơn.
Ông nói, các nước ASEAN nên xem xét việc hình thành "một thị trường vốn thống nhất duy nhất" vì thị trường vốn ở mỗi quốc gia thành viên không đủ để thúc đẩy làn sóng tăng trưởng tiếp theo cho các công ty công nghệ.
Sau sự trỗi dậy nhanh chóng của những gã khổng lồ công nghệ trong khu vực như Sea, Grab và GoTo, ASEAN đã chứng kiến sự ra đời của một số kỳ lân mới - những công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên - chưa nói đến decacorn, những công ty có giá trị từ 10 tỷ USD.
Theo ông Sandrasegara, các thị trường vốn khu vực cần phải hợp tác để tăng cường lợi ích thể chế, từ đó dẫn đến dòng vốn và hệ thống tổ chức trong khu vực. “Một thị trường kỹ thuật số duy nhất và một thị trường vốn thống nhất sẽ ghi nhận sự xuất hiện của các decacorn trong tương lai”, ông dự đoán.
Tuy nhiên, để thực hiện một thị trường kỹ thuật số duy nhất, ASEAN cần phát triển và hài hòa cơ sở hạ tầng, dịch vụ và quy định kỹ thuật số trên toàn khối, ông Sandrasegara nói. “Những dấu hiệu đầy hứa hẹn” trong việc hiện thực hóa sáng kiến này là việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới ngày càng tăng đối với các giao dịch bán lẻ sử dụng mã QR ở một số nền kinh tế lớn của ASEAN.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “khả năng phục hồi mạng” của ASEAN, đồng thời cho rằng việc áp dụng thanh toán xuyên biên giới “phải đi đôi với việc đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu”, “các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong kịch bản này”.
Tháng 7/2023, Temasek báo cáo khoản lỗ ròng 6 tỷ USD trong 12 tháng tính đến tháng 3/2023, phần lớn là lỗ trên giấy tờ do sự suy thoái của thị trường chứng khoán – với sự sụt giảm định giá trong các lĩnh vực như công nghệ, chăm sóc sức khỏe và thanh toán. Ông Sandrasegara nhắc đến các yếu tố như lạm phát dai dẳng, căng thẳng địa chính trị gia tăng và cuộc chiến Nga - Ukraine đã làm tăng chi phí vốn và đè nặng lên dòng vốn.
Ông cho rằng các bên tham gia nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á vẫn đang bị ảnh hưởng bởi những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô và hầu hết nhà đầu tư tiếp tục quan sát, dù triển vọng dài hạn cho lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số trong khu vực vẫn mạnh mẽ và tích cực.
Ông nói thêm rằng các công ty đã bắt đầu “hướng tới các hoạt động kinh doanh bền vững”, tập trung vào các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận và hạn chế các ưu đãi và trợ cấp không bền vững. Ông gọi đây là “sự phát triển tích cực và lành mạnh hơn cho sức khỏe lâu dài của nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á”.
“Chúng tôi cũng tin rằng sẽ bắt đầu thấy những lối thoát rõ ràng hơn cho các công ty Đông Nam Á, có thể dưới hình thức thị trường vốn thuận lợi hơn và các quy định hỗ trợ cho việc niêm yết công nghệ trong khu vực”, người đứng đầu Temasek lạc quan.
(Theo Nikkei)