Xã hội

Bà T. 71 tuổi đến ngân hàng rút sạch tiền tiết kiệm, nhân viên Agribank thực hiện giao dịch rồi lập tức báo công an

Mai Hương 01/07/2025 - 11:01

Phát hiện ra điểm bất thường, nhân viên ngân hàng đã nhanh chóng làm một việc.

Chiều 26/6, Công an phường Quang Trung (Hà Nội) phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Agribank trên phố Chu Văn An đã kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với nạn nhân là cụ bà tên T.

Trước đó, vào khoảng 14h cùng ngày, nhân viên ngân hàng phát hiện một khách hàng lớn tuổi yêu cầu rút toàn bộ sổ tiết kiệm để chuyển tiền với dấu hiệu bất thường. Nhận thấy nguy cơ có thể liên quan đến hành vi lừa đảo, phía ngân hàng lập tức thông báo cho Công an phường Quang Trung.

Lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại chi nhánh ngân hàng để xác minh. Qua làm việc, người phụ nữ được xác định là bà T., sinh năm 1954. Bà cho biết đã nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là cán bộ công an, thông báo bà đang bị điều tra liên quan đến một vụ án hình sự. Đối tượng yêu cầu bà giữ bí mật tuyệt đối và không được thông báo với người thân hay cơ quan nào khác.

Không chỉ dừng lại ở việc gọi điện thoại, đối tượng còn thực hiện cuộc gọi video với hình ảnh mặc trang phục cảnh sát, tăng mức độ tin cậy và áp lực tâm lý với nạn nhân. Chúng yêu cầu bà T. rút toàn bộ tiền tiết kiệm, chuyển vào tài khoản "của cơ quan điều tra" để phục vụ xác minh. Vì hoảng sợ và tin rằng mình thật sự đang bị điều tra, bà T. lập tức tới ngân hàng thực hiện yêu cầu.

Bà T. 71 tuổi đến ngân hàng rút sạch tiền tiết kiệm, nhân viên Agribank thực hiện giao dịch rồi lập tức báo công an - ảnh 1
Bà T. lập tức đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm (Ảnh minh họa)

May mắn, hành động cảnh giác của nhân viên ngân hàng và phản ứng kịp thời của lực lượng công an đã giúp ngăn chặn việc chuyển tiền. Sau khi được cán bộ Công an phường giải thích, tuyên truyền về thủ đoạn giả mạo công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà T. đã bình tĩnh trở lại và dừng giao dịch.

Đây là thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng vẫn liên tục xảy ra, đặc biệt nhằm vào người cao tuổi – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về tâm lý, ít tiếp cận thông tin số, dễ hoảng loạn khi nghe những cụm từ như “liên quan đến vụ án”, “phong tỏa tài khoản”, “bị điều tra hình sự”.

Thủ phạm thường sử dụng công nghệ cao để giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án hoặc ngân hàng. Họ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để "xác minh", "tạm giữ phục vụ điều tra" hoặc "kiểm tra nguồn gốc tài sản", tạo cảm giác cấp bách và hoang mang để nạn nhân không kịp kiểm chứng thông tin.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại. Cơ quan công an không sử dụng hình thức gọi điện, video call hay yêu cầu chuyển tiền để điều tra. Khi nhận được các cuộc gọi có dấu hiệu nghi vấn, người dân cần bình tĩnh, chủ động liên hệ công an nơi cư trú để được hỗ trợ.

Đặc biệt, người thân cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ, ông bà, những người cao tuổi trong gia đình để phòng ngừa rủi ro từ các hình thức lừa đảo tinh vi đang ngày càng gia tăng hiện nay.

>> Bà L. đến ngân hàng rút 325 triệu tiền tiết kiệm, nhân viên Agribank thực hiện giao dịch rồi lập tức báo công an

Bộ Công an công bố 7 hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến: 70% người dân từng nhận ít nhất một cuộc gọi hoặc tin nhắn lạ

Chị T. định ‘chi’ 500 triệu đồng để rút tiền đầu tư, công an lập tức ngăn chặn

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ba-t-71-tuoi-den-ngan-hang-rut-sach-tien-tiet-kiem-nhan-vien-agribank-thuc-hien-giao-dich-roi-lap-tuc-bao-cong-an-145808.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Bà T. 71 tuổi đến ngân hàng rút sạch tiền tiết kiệm, nhân viên Agribank thực hiện giao dịch rồi lập tức báo công an
    POWERED BY ONECMS & INTECH