Bạch kim là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam trong quý III
Trong quý III, thị trường chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của các mặt hàng kim loại. Đáng chú ý, mặt hàng bạch kim liên thông với Sở NYMEX đã có màn bứt tốc ngoạn mục khi trở thành sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm 21,5% khối lượng giao dịch tại MXV.
Trong quý III/2024, giá hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục biến động mạnh. Tuy khối lượng giao dịch hàng hóa tại Việt Nam sụt giảm nhẹ so với quý trước, nhưng thị trường vẫn đang phát triển theo đúng lộ trình.
Cuộc “rượt đuổi” của top 5 thị phần
Theo số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), bảng xếp hạng thị phần quý III vẫn ghi nhận sự hiện diện của nhiều cái tên quen thuộc, tuy nhiên thị phần của từng thành viên đã có sự biến động rõ rệt.
Công ty CP Giao dịch hàng hóa Gia Cát Lợi tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, với mức tăng 2% thị phần so với quý II. Đây là kết quả không quá bất ngờ, khi Gia Cát Lợi là một trong những thành viên đầu tiên và hiện đang có quy mô văn phòng, chi nhánh lớn nhất cả nước.
Đứng ở vị trí thứ 2, Công ty CP Giao dịch hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh (HCT) đang chiếm lĩnh 17,7% thị phần môi giới. Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị (Finvest) xếp ở vị trí thứ 3 với 12,5% thị phần. Công ty CP Saigon Futures vẫn tiếp tục giữ vị trí thứ 4 với 9% thị phần.
Gây bất ngờ với bảng xếp hạng quý này là Công ty CP Giao dịch hàng hóa VMEX. Nhờ sự đổi mới chiến lược kinh doanh, Công ty CP Giao dịch hàng hóa VMEX đã vươn lên vị trí thứ 5 trong quý này, với 3,4% thị phần. Đây cũng là lần thứ 2 CTCP Giao dịch hàng hóa VMEX góp mặt trong top 5 kể từ quý III năm 2023.
Bám rất sát top 5 là cuộc đua đầy gay cấn của Công ty CP Giao dịch hàng hóa Đông Nam Á, Công ty CP Harami-Trade, Công ty CP Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh với tỉ trọng thị phần lần lượt là 3%, 2,3% và 2,25%.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết: “Cuộc đua thị phần môi giới hàng hóa trong quý III vừa qua rất sôi động khi có sự thay đổi không chỉ về thứ hạng thành viên mà còn về tổng thị phần. Top 5 hiện chỉ chiếm 76% tổng thị phần môi giới, giảm đáng kể so với các quý trước, báo hiệu một cuộc đua khốc liệt hơn đang diễn ra. Đây cũng là tín hiệu cho thấy nhiều cái tên tiềm năng mới sẽ vươn lên bứt phá ấn tượng trong chặng đường cuối năm 2024”.
Bạch kim dẫn đầu khối lượng giao dịch
Không chỉ thị phần môi giới chứng kiến những biến động đáng chú ý, khối lượng giao dịch của các mặt hàng trong quý III vừa qua cũng có những thay đổi đầy bất ngờ. Sự dịch chuyển này phản ánh những biến động trong nhu cầu và chiến lược đầu tư của thị trường, khi nhiều mặt hàng vốn ổn định trước đây bất ngờ sụt giảm, nhường chỗ cho những cái tên mới.
Theo đó, thị trường chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của các mặt hàng kim loại. Đáng chú ý, mặt hàng bạch kim liên thông với Sở NYMEX đã có màn bứt tốc ngoạn mục khi trở thành sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm 21,5% khối lượng giao dịch tại MXV. Bên cạnh đó, mặt hàng đồng Micro cũng từ vị trí số 6 quý trước vươn lên vị trí số 3 trong bảng xếp hạng quý này với tỉ trọng 8%. Các mặt hàng còn lại gồm đồng và bạc Micro cũng lần lượt chiếm giữ vị trí số 7 và 9 với 5,7% và 5,2% khối lượng.
“Có thể thấy các mặt hàng kim loại ngày càng được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư khi có đến 4 mặt hàng của nhóm nằm trong top 10. Trong thời gian qua, thị trường kim loại quý đã được hưởng lợi trong giai đoạn thị trường theo dõi sát sao động thái hạ lãi suất quy mô lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Môi trường lãi suất thấp dự báo sẽ tiếp tục tạo điều kiện tăng giá tốt cho giá kim loại quý trong năm nay. Theo tôi, đà tăng này của kim loại quý có thể sẽ còn tiếp diễn sang quý IV khi những áp lực vĩ mô dần được xoa dịu và chu kỳ cắt giảm lãi suất mới sẽ có tác động nhất định lên thị trường tài chính và hàng hóa trên toàn cầu”, ông Quỳnh cho biết.
Xếp sau bạch kim, mặt hàng đậu tương đang liên thông với Sở Chicago chiếm tỉ trọng 12,7% và đứng thứ hai trong danh sách các mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trong quý III. Các mặt hàng thành phẩm như khô đậu tương, dầu đậu tương cũng tiếp tục ghi tên trong danh sách ở vị trí số 6 và số 8.
Các vị trí xếp sau tiếp tục xuất hiện các mặt hàng quen thuộc của bảng xếp hạng hàng quý. Lúa mì và cà phê Robusta lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5 với 7,1% và 6,8% tổng khối lượng giao dịch. Cà phê Arabica cũng quay trở lại đường đua và chốt lại bảng xếp hạng top 10 mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam quý III với tỉ trọng 5,1%.
Quý IV năm nay, nhiều chuyên gia đều nhận định rằng giá cả hàng hóa sẽ biến động mạnh do nhiều yếu tố khó đoán xuất hiện trên thị trường như: Căng thẳng địa chính trị gia tăng, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan…
Đối với nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp, tình hình thời tiết sẽ là yếu tố chính tác động lên thị trường. Riêng với cà phê, nhìn chung giá vẫn sẽ tiếp tục được duy trì và neo ở mức cao hơn so với cùng kỳ các năm trước do nguồn cung từ hai thị trường sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam dự kiến đều sụt giảm do thời tiết ảnh hưởng nặng nề lên mùa vụ, chất lượng cây trồng và sản lượng thu hoạch. Trong khi đó, diễn biến thời tiết tại Mỹ và khu vực Nam Mỹ cũng đóng vai trò ảnh hưởng quan trọng lên đồ thị giá nông sản trong thời gian tới.
Nhóm năng lượng tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô và tình hình căng thẳng leo thang tại Trung Đông. Trong khi đó, kim loại dự kiến sẽ là điểm sáng của thị trường trong giai đoạn còn lại của năm. Đà tăng của các mặt hàng trong nhóm sẽ tiếp tục được duy trì nhờ những chính sách mới của các nước lớn nhằm thúc đẩy kinh tế tránh rơi vào suy thoái. Fed đã chính thức xoay trục sang nới lỏng chính sách tiền tệ và nhiều khả năng sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất nữa vào cuối năm nay. Điều này sẽ tạo sức ép lớn lên đồng USD qua đó hỗ trợ giá kim loại tăng cao, đặc biệt là nhóm kim loại quý khi nhóm này vốn nhạy cảm với các yếu tố vĩ mô.
>> Giá kim loại đồng ngày 3/10: tiếp đà tăng trên sàn giao dịch
Giá kim loại đồng ngày 3/10: tiếp đà tăng trên sàn giao dịch
Giá kim loại đồng ngày 2/10: tăng do thúc đẩy phục hồi tại Trung Quốc