Bàn tiếp chuyện tăng thuế chứng khoán

12-01-2022 14:19|Ba Lỗ

Giới phân tích thừa nhận, cách tính thuế hiện nay trên thị trường chứng khoán có yếu tố thuế chồng thuế. Dù vậy, năm 2021, sức hút thị trường chứng khoán quá lớn đến nỗi các vướng mắc về thuế, phí trở nên không còn quan trọng.

Vừa qua, một số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản và một số hình thức kinh doanh qua mạng. Dù đây mới chỉ là đề xuất và chưa bàn gì chi tiết nhưng thông tin trên ngay lập tức khiến nhà đầu tư phải chú ý.

Thứ nhất, nhà đầu tư chứng khoán đang trả không ít thuế, phí. Hiện tại, khi chuyển nhượng chứng khoán, thuế được lựa chọn là 0,1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra.

Cùng đó, bên cạnh các khoản phí phổ biến như phí giao dịch qua sàn, phí dịch vụ (chuyển khoản ngân hàng, xác nhận số dư, sao kê, trích lục hồ sơ...), phí lưu ký chứng khoán... nhà đầu tư chịu thêm thuế thu nhập cá nhân 5% khi bán cổ phiếu là cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng đã nhận được. Đây có lẽ là một trong những lý do góp phần giúp nguồn thu ngân sách từ thị trường chứng khoán đạt gần 11.000 tỷ đồng - hơn gấp đôi năm 2020 (chỉ 5.200 tỷ đồng).

Giới phân tích thừa nhận, cách tính thuế hiện nay trên thị trường chứng khoán có yếu tố thuế chồng thuế. Dù vậy, năm 2021, sức hút thị trường chứng khoán quá lớn đến nỗi các vướng mắc về thuế, phí trở nên không còn quan trọng.

Những phiên giao dịch tỷ USD liên tục xuất hiện cùng lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng đột biến gần 1,5 triệu tài khoản năm 2021 - bằng 4 năm trước cộng lại đã làm nhà đầu tư hồ hởi. Tuy nhiên, tính chung, Việt Nam mới chỉ có hơn 4 triệu tài khoản chứng khoán, xấp xỉ 4% dân số. Đây là con số khiêm tốn so với các nước như Thái Lan (25 - 30% dân số), Đài Loan (80% dân số)…

Để Việt Nam có thể đạt tới số lượng tài khoản chứng khoán ngang bằng với các nước trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam cần thêm những giải pháp có tính khuyến khích tạo động lực để nhà đầu tư tham gia tích cực hơn, thay vì đề xuất các cách thức thu thêm thuế từ chứng khoán.

Tuy nhiên, ở quốc gia mới nổi như Việt Nam, thay vì tăng thuế thì nên chờ thị trường đạt đến một quy mô lớn hơn, với số lượng tài khoản chiếm 20% dân số chẳng hạn. Khi đó, việc tăng thuế sẽ dễ được chấp nhận hơn.

Thuế chứng khoán cũng chỉ hợp lý khi xem xét đến tác động toàn diện và đặt trong bình diện bên chịu thuế có bị thiệt thòi hơn lúc chưa tham gia không.

Ngoài ra, để tính thuế cho chuẩn xác rất cần đến ứng dụng công nghệ tài chính.

Cuối cùng, hệ thống thuế cần đảm bảo khả năng kết nối với thế giới và tuân thủ những cam kết mà Việt Nam đã ký với các nước trong các hiệp định thương mại tự do, hiệp định thuế.

Về vấn đề tăng thuế chứng khoán, tại cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội mới nhất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, Quốc hội không quyết định ngay mà giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đề xuất tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán và bất động sản.

Trước đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng nhìn nhận, các bộ chuyên môn giải thích lý do chưa tăng thuế chứng khoán, bất động sản là hợp lý, chưa có đủ cơ sở để trình tăng thuế tại kỳ họp này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu, chính sách thuế cần được nghiên cứu thận trọng nhất là chính sách liên quan đến thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Theo ông Toàn, việc giao Chính phủ nghiên cứu là bước thận trọng cần thiết của Quốc hội, nếu xem xét nếu tác động không thuận thì không quyết ngay, khi nào đủ điều kiện thì quyết.

Tinh gọn bộ máy - tiền đề tốt để kinh tế Việt Nam tăng trưởng

Người Việt Nam ‘chưa giàu đã già’

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ban-tiep-chuyen-tang-thue-chung-khoan-121518.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bàn tiếp chuyện tăng thuế chứng khoán
    POWERED BY ONECMS & INTECH