Đây là cô gái Việt Nam đầu tiên lọt top 10 giáo viên toàn cầu do Quỹ Varkey lựa chọn năm 2020 - một giải thưởng được ví như Nobel của giáo dục.
Hơn bốn năm trước, vào ngày 11/11/2020, ngành giáo dục Việt Nam đạt được một thành tựu vô cùng đáng tự hào khi cô giáo Hà Ánh Phượng, giảng dạy môn tiếng Anh tại trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ, được vinh danh trong top 10 giáo viên toàn cầu do Quỹ Varkey Foundation bình chọn. Cô Phượng không chỉ là giáo viên Việt Nam đầu tiên lọt vào top 10 mà còn là người trẻ nhất trong danh sách này.
Ban tổ chức giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize) đã lựa chọn cô cùng với 9 giáo viên khác đến từ các quốc gia như Italy, Brazil, Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia và Hàn Quốc. Trước đó vào tháng 3/2020, cô cũng được ghi nhận là một trong 50 giáo viên có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục.
Cô Hà Ánh Phượng sinh ra và lớn lên tại Yên Lập, một huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ. Từ nhỏ, cô đã mơ ước trở thành giáo viên và được cha mẹ tận tình hỗ trợ để đạt được ước mơ này. Dù sống ở vùng khó khăn, cha mẹ cô luôn tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập của con, không ngại mua sách vở và tài liệu để cô mở rộng kiến thức. Nhờ sự nỗ lực và quyết tâm, Ánh Phượng đã đạt được nhiều thành tích cao trong học tập.
Năm 2009, cô Phượng giành được học bổng Hoa Trạng Nguyên, giải thưởng dành cho các thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Tân Tạo trao tặng. Năm 2011, cô là một trong 14 sinh viên châu Á được trao học bổng tiềm năng lãnh đạo bởi Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ (IIE).
Cô Hà Ánh Phượng thi đỗ vào Đại học Hà Nội và tốt nghiệp với bằng loại ưu. Sau khi tốt nghiệp, cô nhận được lời mời làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên cho một công ty dược của Pakistan với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, với niềm đam mê nghề giáo, cô quyết định tiếp tục học thạc sĩ ngành sư phạm tiếng Anh.
Cô Phượng chia sẻ với báo chí: "Ngay từ nhỏ tôi đã có ước mơ là giáo viên, với tôi giáo viên là một công việc lý tưởng, nhất là khi được cô giáo chủ nhiệm dạy văn của mình tiếp thêm sức mạnh, ước mơ ấy càng lớn dần trong tôi. Vì vậy tôi đã quyết tâm học để đỗ vào chuyên ngành ngôn ngữ Anh - Trường Đại học Hà Nội và học thêm nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ", theo báo Đại Đoàn Kết.
Tới năm 2016, cô hoàn thành chương trình thạc sĩ và bắt đầu hiện thực hóa ước mơ trở thành giáo viên.
Cô được tuyển dụng đặc cách vào trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, một ngôi trường miền núi với gần 90% học sinh là người dân tộc thiểu số. Tại đây, cô Phượng đã có những sáng tạo đột phá trong công tác giảng dạy, mang lại nhiều giá trị tích cực cho học sinh.
"Khi tôi quyết định về quê, bạn bè ai cũng phản đối. Bạn thân của tôi bảo tôi bị điên, vì dạy tiếng Anh thì chỉ ở thành phố mới có cơ hội phát triển", cô Ánh Phượng từng chia sẻ với báo chí.
"Bạn bè nói mỉa mai: 'Mày tụt hậu là cái chắc'. Bố mẹ tôi thì ở quê, nên ủng hộ vì tôi quay về sẽ có biên chế, được đặc cách xét tuyển mà không phải qua thi cử", cô giáo Mường nói về những lời mỉa mai của bạn bè khi bản thân quyết định về dạy học ở trường làng.
Thời gian đầu dạy học, cô Phượng gặp tương đối nhiều khó khăn vì học sinh đa phần là người dân tộc thiểu số, phần lớn các em chỉ đặt mục tiêu học để thi tốt nghiệp, nhiều em còn chưa biết tra từ điển.
"Tuy nhiên, tôi lại có niềm tin là học sinh dân tộc sẽ có khả năng học ngoại ngữ vì bản thân các em đã nói được 2 ngôn ngữ rồi (tiếng Kinh và tiếng dân tộc thiểu số). Vậy là tôi vẫn không bỏ cuộc", cô giáo 9X quyết tâm không bỏ cuộc.
Bước ngoặt bắt đầu vào năm 2018, cô tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ của Bộ GD&ĐT và từ đó, khám phá diễn đàn toàn cầu của Microsoft, nơi giáo viên trên thế giới chia sẻ và hỗ trợ nhau. Với tư tưởng "mỗi học sinh, ở mọi nơi đều xứng đáng với một giáo dục tốt nhất", cô Hà Ánh Phượng đã tạo ra các lớp học xuyên biên giới cho học sinh nghèo trên 4 châu lục. Trong mỗi bài học, cô kết nối lớp học của mình ở miền núi với các điểm đến như Washington, Ấn Độ,... giúp học sinh có cơ hội học tập và nâng cao tiếng Anh - ngôn ngữ quan trọng để trở thành công dân toàn cầu.
Là một giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê, cô đã áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới như dạy học qua phim, âm nhạc, lớp học xuyên biên giới và dự án liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cô cũng tham gia vào các buổi phát triển chuyên môn toàn cầu và là thành viên tích cực của cộng đồng giáo dục Microsoft.
Không chỉ dạy tại Việt Nam, cô còn dành thời gian dạy các lớp học trực tuyến miễn phí cho trẻ em nghèo ở Ấn Độ, Nam Phi,... Năm học 2019 - 2020, cô đã hướng dẫn hơn 90 học sinh Trường THPT Hương Cần trong dự án quốc tế "Nói không với ống hút nhựa", kết nối với học sinh từ 7 quốc gia trên 4 châu lục. Trong buổi thuyết trình, cô đã giới thiệu sản phẩm ống hút tre do chính mình làm ra, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường của người Việt tới cộng đồng quốc tế.
Với những thành tựu đáng nể, cô Hà Ánh Phượng đã trở thành người giáo viên đầu tiên của Việt Nam được vinh danh trong top 10 giáo viên toàn cầu do Varkey Foundation bình chọn. Sự thành công của cô không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là niềm tự hào của ngành giáo dục cả nước.
Varkey Foundation là quỹ từ thiện toàn cầu ra đời vào năm 2010 do doanh nhân Ấn Độ Sunny Varkey sáng lập, người cũng là người thành lập GEMS Education - một trong những đơn vị điều hành trường học lớn nhất thế giới từ mẫu giáo đến lớp 12. Mục tiêu của quỹ là tôn vinh giáo viên và thúc đẩy chất lượng giáo dục cho mọi trẻ em. Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu, do Quỹ Varkey thành lập vào năm 2014, thu hút hàng chục nghìn ứng viên từ nhiều quốc gia mỗi năm.
Mặc dù sau những thành tích ấn tượng này, có nhiều tổ chức và tập đoàn đã mời cô Ánh Phượng về làm việc tại các địa điểm hấp dẫn hơn vùng quê nơi cô đang làm việc. Tuy nhiên, với tình yêu sâu đậm với nghề và quê hương, cô vẫn chọn ở lại để tiếp tục sứ mệnh giáo dục của mình.
"Từ nhỏ tôi học trường nội trú nên từ lúc đi học đến lúc tốt nghiệp Đại học tôi đều được Nhà nước chi trả tiền ăn, học, sinh hoạt, hay hưởng các học bổng dành cho người dân tộc ít người. Tôi đã từng nghĩ về quê là cách mình trả “món nợ ân tình” đó", cô Phượng chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết.
“Lọt vào Top 50, rồi Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 do Quỹ Varkey bình chọn, tôi nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn từ các đơn vị, tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn được làm cô giáo làng, tiếp tục lan tỏa niềm yêu thích học ngoại ngữ cho học sinh và thực hiện các dự án xã hội, truyền đi giá trị tích cực trong cộng đồng”, cô giáo 9X nói thêm.
Ngoài những thành tích chuyên môn, vào tháng 6/2021, cô Hà Ánh Phượng đã được bầu vào Quốc hội khóa XV. Cô là một trong 25 cán bộ giáo viên và giảng viên làm việc trong lĩnh vực giáo dục được bầu làm đại biểu Quốc hội. Trong vai trò này, cô mang đến Quốc hội những suy nghĩ sâu sắc về lĩnh vực giáo dục. Cô đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như chất lượng giảng dạy và học tập tiếng Anh, quyền lợi và lợi ích của giáo viên... và mong muốn được chia sẻ quan điểm của mình trên sàn diễn Quốc hội.
Trên cương vị một người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, cô Phượng đặc biệt quan tâm tới chính sách ưu tiên cho đồng bào bởi đời sống của một bộ phận vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. "Tôi sẽ tích cực tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để trở thành cầu nối, đem tiếng nói của họ đến nghị trường", cô Phượng nói.
Cô giáo dân tộc Mường Hà Ánh Phượng đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ giáo viên trẻ ngày nay qua những thành tựu và nỗ lực của mình. Cô đã dành hết tâm huyết và nỗ lực cho sự nghiệp truyền đạt tri thức, đóng góp vào sự phát triển của giáo dục Việt Nam vươn tầm quốc tế.