“Bao phủ nợ xấu” có là tấm khiên của các ngân hàng khi nợ xấu... xấu hơn?

23-07-2021 12:04|

Nhiều ngân hàng công bố tỷ lệ "bao phủ nợ xấu" rất cao, hiểu theo nghĩa thông thường là khi cần kíp thì số này sẽ dùng để xóa các món nợ xấu khó đòi hoặc nợ không đòi được (mất vốn). Vậy tại sao nhiều chuyên gia vẫn quan ngại nợ xấu các ngân hàng có khả năng tăng mạnh vì đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này?

Thông tin NHNN cho biết, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu, tổ chức quốc tế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố tập trung các khu công nghiệp lớn đang thực hiện giãn cách xã hội, việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Trong bối cảnh đó, đến cuối năm 2021, có khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/02/2021”, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết.

Được biết, tại tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/02/2021 dự báo đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD ước tính ở mức 1,54 - 1,91% và 3,43 - 3,84%.

Nếu tính thêm các khoản nợ không chuyển nợ xấu do được cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD sẽ ở mức gần 5%.

Trong một diễn biến có liên quan, với việc áp dụng Thông tư 03/2021, sửa đổi Thông tư 01, các ngân hàng sẽ được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng dịch trong thời gian dài hơn. Lộ trình trích lập dự phòng kéo dài trong 3 năm, nếu nợ xấu càng nhiều thì gánh nặng trích lập của các ngân hàng càng tăng.

Thực tế, nhiều ngân hàng đã chủ động trích lập, tăng bộ đệm rủi ro bằng cách nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu bởi “xét cho đến cùng, cũng là các ngân hàng tự xử lý nợ xấu của mình mà thôi”, Tổng giám đốc một Ngân hàng TMCP nói.

Với số lượng các ngân hàng công bố báo cáo tài chính đến thời điểm hiện tại, chiếm ngôi vương về tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu trong 6 tháng đầu năm là MB với con số lên tới 311%. Lùi lại vị trí thứ hai là Vietcombank với tỷ lệ bao phủ nợ đạt 280% vào cuối quý 2/2021. Xếp thứ ba là Techcombank với tỷ lệ là 259% tại thời điểm cuối quý 2/2021. Tại thời điểm 30/6, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank khoảng 110% và OCB đạt 70%, tiếp tục tăng so với mức 62% đầu năm 2021.

Trong cuộc trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng đã có những phân tích đáng chú ý liên quan đến cách tính toán “tỷ lệ bao phủ nợ xấu”.

Theo TS. Hiếu, có có 3 định nghĩa về tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

Thứ nhất là "Tỷ lệ dự phòng rủi ro”: Dự phòng nợ xấu/tổng dư nợ.

Ví dụ, theo Báo cáo tài chính năm 2020 của Vietcombank, tại thời điểm 31/12/2020, dự phòng nợ xấu gần 19.243 tỷ đồng, tổng dư nợ 839.788 tỷ đồng và tỷ lệ dự phòng nợ xấu/tổng dư nợ là 2,29%.

Tỷ lệ này đã nói lên Ngân hàng có bao nhiêu dự phòng nợ xấu để bao phủ toàn bộ dư nợ hiện hữu. Cụ thể, tỷ lệ 2,29% có nghĩa là trên 100 đồng nợ thì Vietcombank dự phòng 2,29 đồng cho nợ xấu.

Thứ hai, “Tỷ lệ bao phủ nợ xấu”: Dự phòng nợ xấu/tổng dư nợ xấu

Ví dụ: Tại thời điểm 31/12/2020, bên cạnh dự phòng nợ xấu trên, tổng dư nợ xấu của Vietcombank đạt xấp xỉ 5.230 tỷ đồng và tỷ lệ dự phòng nợ xấu/tổng dư nợ xấu là 367,96%.

Tỷ lệ này nói lên Ngân hàng có bao nhiêu dự phòng nợ xấu để bao phủ toàn bộ dư nợ xấu (Nợ nhóm 3, 4 và 5) hiện hữu, tức tỷ lệ 367,96% có nghĩa là trên 100 đồng nợ xấu thì Vietcombank dự phòng 367,96 đồng cho nợ xấu.

Thứ ba, “Tỷ lệ bao phủ nợ xấu”: Lợi nhuận sau thuế/tổng dư nợ xấu

Cũng lấy ví dụ tại Vietcombank với lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 18.473 tỷ đồng, thì tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/tổng dư nợ xấu sẽ đạt 353,23%.

Tỷ lệ này có nghĩa là Ngân hàng có bao nhiêu lợi nhuận ròng để bao phủ tổng dư nợ xấu, tức năm 2020, lợi nhuận Vietcombank gấp 3,5 lần trên tổng dư nợ xấu.

Theo TS. Hiếu, khi nêu lên tỷ lệ bao phủ nợ xấu nên trình bày cách tính theo 1 trong 3 phương pháp trên để tránh hiểu lầm.

Tại thời điểm này, theo TS. Hiếu, với Thông tư 1/2020 và 3/2021 của NHNN, các ngân hàng được phép tái cơ cấu nợ để giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh và không chuyển nhóm nợ, nên cả 3 cách tính tỷ lệ nợ xấu trên đều có thể không chính xác vì nhiều món nợ đáng lý phải là nợ xấu thì ngân hàng có thể giữ nguyên nhóm nợ, do đó tổng dư nợ xấu có thể thấp hơn nhiều so với nợ xấu thực tế.

"Cũng chính vì vậy, dự phòng nợ xấu trên sổ sách có thể thấp hơn nhiều so với số dự phòng nếu ngân hàng phải trích lập dự phòng đúng với thực tế. Từ đó, tỷ lệ dự phòng nợ xấu theo phương pháp đầu tiên có thể thấp hơn so với thực tế, phương pháp thứ 2 có thể thấp hay cao hơn so với thực tế, và phương pháp thứ 3 có thể cao hơn so với thực tế, tùy theo sự hạch toán nợ xấu và trích lập dự phòng của mỗi ngân hàng”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Theo ktck tai chinh
https://kinhtechungkhoan.vn/bao-phu-no-xau-co-la-tam-khien-cua-cac-ngan-hang-khi-no-xau-xau-hon-98619.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    “Bao phủ nợ xấu” có là tấm khiên của các ngân hàng khi nợ xấu... xấu hơn?
    POWERED BY ONECMS & INTECH