Tài chính Ngân hàng

Giảm trừ gia cảnh: Đề xuất 17 triệu đồng/tháng, áp dụng càng sớm càng tốt

Tienphong.vn 22/07/2025 - 16:27

Các chuyên gia bày tỏ ủng hộ phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh và nên được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, tránh tình trạng vừa áp dụng đã lạc hậu. Có ý kiến đề xuất mức giảm trừ gia cảnh khoảng 17 triệu đồng/tháng, thay vì 15,5 triệu đồng như đề xuất cao nhất hiện nay; mức này sẽ tương đối hợp lý cho cả giai đoạn 2026-2030.

Nên chọn mức nào?

Bộ Tài chính vừa có dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Dự thảo nêu 2 phương án đưa ra lấy ý kiến:

Phương án 1, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 13,3 triệu đồng/tháng (159,6 triệu đồng/năm). Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng.

Phương án 2, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 15,5 triệu đồng/tháng (186 triệu đồng/năm). Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng.

Theo tính toán sơ bộ, với việc nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng lên 13,3 - 15,5 triệu đồng/tháng. Với người phụ thuộc, mức giảm trừ gia cảnh hiện bằng khoảng 40% mức áp dụng với người nộp thuế, đề xuất tăng từ 4,4 triệu đồng lên 5,3 - 6,2 triệu đồng/tháng. Như vậy, cá nhân có thu nhập khoảng 23 - 27 triệu đồng/tháng, có 2 người phụ thuộc sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

z6829009658695-90fe12d3d646b5a8b7d75779596ce555.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đang lạc hậu so với thực tế. Ảnh minh họa.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS, TS. Nguyễn Thưởng Lạng - Đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đang lạc hậu so với thực tế, trong khi các khoản chi tiêu cơ bản của người dân, cho giáo dục, y tế, sinh hoạt thiết yếu tăng rất nhanh. Ông Lạng bày tỏ ủng hộ phương án tăng mạnh mức giảm trừ gia cảnh, lựa chọn phương án 2, giảm trừ cho bản thân người nộp thuế 15,5 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng.

“Điều chỉnh cần sớm nhất có thể để tăng thu nhập khả dụng của người dân. Người lao động khi được đảm bảo cuộc sống sẽ yên tâm làm việc, tạo ra năng suất lao động cao hơn. Giảm thuế thu nhập cũng tăng kích thích tiêu dùng. Đây là động lực quan trọng, lâu dài, bền vững cho tăng trưởng kinh tế”, ông Lạng nhấn mạnh.

Tại Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), về đề xuất giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, ông Lạng cho rằng quan điểm này là phù hợp.

Tuy nhiên, một điểm quan trọng khác là cần tính đến sự khác biệt giữa các địa phương, như TPHCM hay Hà Nội có mức sống, giá cả, nhu cầu tiêu dùng cao hơn nhiều so với các thành phố khác. Thậm chí trong cùng một thành phố, nhưng khu vực trung tâm cũng có mức sống cao hơn xã ven đô. Chính sách thuế thiết kế cần có sự linh hoạt, tính đến điều kiện sống và đặc thù vùng miền. Mức lương tối thiểu vùng cũng có thể dùng làm căn cứ để xác định mức giảm trừ cho từng khu vực.

1536-1024-166418176489423331943.jpeg
Chuyên gia cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cần tính đến sự khác biệt giữa các địa phương.

Ông Lê Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas - cho rằng mức giảm trừ gia cảnh tại phương án 2 có thể phù hợp với thực tế của năm 2025-2026, nhưng đặt câu hỏi: Liệu lịch sử có lặp lại, khi mức giảm trừ vừa được ban hành đã trở nên lạc hậu ngay tại thời điểm áp dụng? Ông nhắc lại trường hợp năm 2020, khi mức giảm trừ mới được điều chỉnh lên 11 triệu đồng/tháng. Ngay thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã nhận định mức mới vẫn chưa theo kịp thực tế.

“Chúng ta đang chờ đợi không chỉ là một mức giảm trừ mới mà là viễn cảnh sau khi áp dụng chính sách. Bởi lẽ, theo quy trình hiện nay, phải sau 5 năm thì mức giảm trừ gia cảnh mới được xem xét điều chỉnh một lần. Ngay từ bây giờ, tại sao không cân nhắc một mức giảm trừ để người nộp thuế không cảm thấy thiệt thòi suốt cả giai đoạn 5 năm áp dụng?” - ông Tuấn nêu quan điểm.

Tránh lạc hậu ngay khi áp dụng

Theo ông Lê Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas, nhiều ý kiến từng đề xuất gắn mức giảm trừ gia cảnh với lương tối thiểu vùng để đảm bảo tính cập nhật, linh hoạt theo từng năm. Tuy nhiên, cách làm này hiện chưa được lựa chọn, dù có tính thực tiễn cao, bởi mức lương tối thiểu vùng thay đổi theo từng năm. Do đó, nếu vẫn tiếp tục áp dụng cơ chế mức giảm trừ cố định thì cần tính toán trước cho cả chu kỳ 5 năm.

Ông Tuấn đề xuất mức giảm trừ gia cảnh khoảng 17 triệu đồng/tháng, thay vì 15,5 triệu đồng như đề xuất cao nhất hiện nay. Theo tính toán, mức này sẽ tương đối hợp lý cho cả giai đoạn 2026-2030.

Trong 1-2 năm đầu (2026-2027), Ngân sách Nhà nước có thể hụt thu nhẹ, nhưng đến năm 2028, mức giảm trừ này sẽ tiệm cận thực tế thu nhập. Đến năm 2029-2030, người lao động có thể thiệt thòi một chút, nhưng vẫn trong ngưỡng chấp nhận được.

“Cách làm này tạo sự công bằng cho tất cả. Thu đúng, thu đủ sẽ tạo động lực cho người dân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, cũng như tin tưởng vào chính sách của Nhà nước. Ngoài ra, việc tăng thu nhập thực tế cũng giúp người dân tăng chi tiêu, góp phần phát triển kinh tế tiêu dùng và tăng nguồn thu thuế khác”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hồ Ngọc - Giám đốc Đào tạo, Công ty TNHH Đào tạo và Tư vấn Á Châu - cũng kiến nghị Chính phủ trình và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lựa chọn phương án 2 do Bộ Tài chính đề xuất, theo đó nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 15,5 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 6,2 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc.

Theo ông Ngọc, đây là phương án hợp lý và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, không chỉ giúp bù đắp tác động của lạm phát, mà còn phản ánh sự cải thiện về mức sống chung của người dân, đồng thời thể hiện sự chia sẻ thành quả tăng trưởng kinh tế giữa Nhà nước và người lao động. Ông Ngọc cũng kiến nghị áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2025, không trì hoãn đến năm 2026, theo đó ban hành nghị quyết theo thủ tục rút gọn.

“Việc áp dụng sớm sẽ tác động tích cực tức thì đến thu nhập và tâm lý của hàng triệu người lao động, giải quyết kịp thời những khó khăn mà họ đã đối mặt trong nhiều năm qua”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Tại bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), nhiều ý kiến đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cao hơn phương án Bộ Tài chính vừa đưa ra. Bộ Quốc phòng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế lên 17,3 triệu đồng/tháng, và mỗi người phụ thuộc là 6,9 triệu đồng/tháng.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 18 triệu đồng/tháng, mỗi người phụ thuộc là 8 triệu đồng/tháng.

>>Tính thuế TNCN: Mức giảm trừ gia cảnh cần nâng lên 17-18 triệu/tháng, áp dụng ngay

Biểu thuế thu nhập cá nhân rút từ 7 xuống 5 bậc, thuế suất cao nhất 35%

Đề xuất mới về thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/giam-tru-gia-canh-de-xuat-17-trieu-dongthang-ap-dung-cang-som-cang-tot-post1762576.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giảm trừ gia cảnh: Đề xuất 17 triệu đồng/tháng, áp dụng càng sớm càng tốt
    POWERED BY ONECMS & INTECH