Sau hơn 1 năm đại dịch bùng phát, nhiều nhà đầu tư cũng như chủ đầu tư “ngấm đòn”. Một số người hiện đã nhận nhà vào ở nhưng do thu nhập giảm sút bởi dịch bệnh nên mất khả năng trả lãi ngân hàng, trong khi cũng hết thời gian 18 tháng hoặc 24 tháng CĐT ưu đãi lãi suất 0%.
Ở phương án bán ra để thu hồi vốn, thị trường giao dịch BĐS thứ cấp trong thời gian qua ghi nhận khá ảm đạm với tính thanh khoản không cao. Nhiều nhà đầu tư bị ép giá đến mức phải chịu lỗ, nhưng là tình thế bắt buộc vì họ không thể gồng lãi suất ngân hàng được.
Trong bối cảnh khách hàng gặp khó khăn về tài chính, một số chủ đầu tư cũng đưa ra các ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng. Đơn cử như CTCP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai có chính sách cho khách hàng trong tháng 8, ở dự án Louis Hoàng Mai, chiết khấu ngay 6% giá trị đất niêm yết, hỗ trợ lãi suất 0% trong 18 tháng (khoản vay được hỗ trợ tối đa 50%), đặt cọc sau 25 ngày thanh toán đợt 1 (thường vào tiền đợt 1 và ký hợp đồng sau 7 ngày cọc).
Hay như Bitexco Group hỗ trợ cho khách hàng mua dự án The Manor Central Park, hỗ trợ vay tối đa 65% giá trị hợp đồng mua bán trong tối đa 36 tháng, lãi suất 0% trong thời gian hỗ trợ. Giảm 1% GTHĐ khi mua từ căn thứ 2. Miễn phí quản lý trong vòng 24 tháng cùng nhiều quà tặng giá trị khác...
Trước tình hình này, Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ người vay, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.
Các ngân hàng thương mại được đề nghị xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm BĐS được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký; hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.
Trước đó, trong nhiều cuộc hội thảo và trả lời phỏng vấn báo chí, các chuyên gia BĐS cũng đã từng khuyến cáo, khách hàng không nên dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS vì đó là "con dao hai lưỡi". Trong trường hợp nhà đầu tư mất khả năng trả nợ thì việc phải bán lỗ từ 10-20% trên tổng số vốn đầu tư là điều phải chấp nhận để cơ cấu lại dòng tiền và cân bằng lại nguồn vốn.