Vĩ mô

Bất ngờ với 7 trường hợp con ruột không được quyền hưởng thừa kế

Mỹ Lê 13/11/2023 07:25

Con ruột thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, thế nhưng liệu có phải "đương nhiên" được hưởng thừa kế từ cha mẹ?

Theo quy định của pháp luật, con ruột là một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, vì vậy có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng con ruột đương nhiên được hưởng thừa kế di sản của cha mẹ ruột của mình. Vậy điều này có đúng không, sau đây chúng ta cùng tìm hiểu các quy định cụ thể của pháp luật.

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015:

  • Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết, theo khoản 1 Điều 611. Cũng kể từ thời điểm đó tài sản để lại của người chết được gọi là di sản.
  • Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác, theo Điều 612.

Theo Điều 610, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, có 7 trường hợp sau đây, dù là con ruột (tức thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định pháp luật), sẽ không được quyền hưởng thừa kế di sản của người đã chết, bao gồm:

  • Con đã chết hoặc chưa thành thai tại thời điểm mở thừa kế của cha mẹ

Theo Điều 613, Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
  • Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
  • Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Các trường hợp số 2, 3, 4, 5 được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, tuy nhiên các trường hợp này sẽ vẫn được hưởng di sản, nếu cha, mẹ - người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

  • Con không có tên trong di chúc thừa kế
  • Con bị truất quyền thừa kế

Theo quy định tại Điều 624, Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Với các trường hợp số 6 và 7, nếu cha, mẹ không để lại di chúc trước khi qua đời thì con sẽ được thừa kế di sản của cha, mẹ theo pháp luật quy định tại Điều 650, 651. Tuy nhiên trong trường hợp cha, mẹ, người để lại di sản, có di chúc nhưng trong di chúc không đề cập đến việc để lại tài sản cho con hoặc truất quyền hưởng di sản của con (quy định tại Điều 626 về quyền của người lập di chúc) thì người con sẽ không được hưởng thừa kế bất kỳ tài sản nào theo nội dung di chúc.

luat-thua-ke-dat-dai-khi-bo-me-chet

Mặc dù vậy, pháp luật vẫn đảm bảo quyền được hưởng di sản thừa kế của người con trong trường hợp số 6 và số 7 nếu là con chưa thành niên hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động. Theo đó, khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc quy định về trường hợp con chưa thành niên, con thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó

Luật sư Trần Mỹ Lê – Đoàn Luật sư Hà Nội

Email: letm@hotrokhoinghiep.vn

Con trai cố Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn nhận thừa kế thêm cổ phiếu trị giá 218 tỷ

'Phú bà showbiz' được chồng cho hưởng di chúc 7.000 tỷ, sống trong nhung lụa, hàng hiệu dát kín người

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bat-ngo-voi-7-truong-hop-con-ruot-khong-duoc-quyen-huong-thua-ke-d111325.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bất ngờ với 7 trường hợp con ruột không được quyền hưởng thừa kế
    POWERED BY ONECMS & INTECH