Bất thường ở dự án cấp bò cho hộ nghèo Điện Biên và sự phật lòng từ dân
Những bất thường ở dự án cấp bò cho hộ nghèo tại Điện Biên khiến người dân phật lòng phần nào đến từ sự "thiếu chuẩn mực" của doanh nghiệp cung ứng con giống cũng như việc xa rời thực tiễn của một bộ phận cán bộ chính quyền.
"Đi qua ruộng dưa chớ sửa giày"
Những ngày qua dư luận không khỏi xôn xao về việc nhiều hộ nghèo của huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) được nhận những con bò gầy, bò già, bò kém chất lượng… trong chương trình hỗ trợ nông dân thoát nghèo và phát triển các vùng kinh tế khó khăn.
Mặc dù các địa phương đã đạt được nhiều thành tựu trong chương trình hỗ trợ các hộ nghèo của hai đề án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển vùng kinh tế khó khăn và thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, hiện tượng cung ứng bò giống của công ty Đại Thành ở Điện Biên thời gian qua, dẫn tới một vài nghi ngại về hiệu quả trong việc lựa chọn đơn vị cung ứng giống.
Nó không đơn thuần là biểu hiện “hoàng hôn dự án” sắp hết hạn, người dân không nhận bò thì sẽ hết cơ hội. Thậm chí hiện tượng bò kém chất lượng như giọt nước tràn ly, phô bày một số góc khuất trong các chương trình, dự án.
Có thể khẳng định mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ trong các dự án, đề án là rất khả thi, nhân văn và đầy ý nghĩa về chính trị, kinh tế và xã hội nhưng khi đi vào thực tế triển khai thì dự án, có nơi chưa được như mong đợi.
Thông qua hiện tượng cấp bò cho hộ nghèo có biểu hiện kém chất lượng ở Điện Biên phần nào còn cho thấy sự "thiếu chuẩn mực" của doanh nghiệp cung ứng con giống cũng như việc xa rời thực tiễn của một bộ phận cán bộ chính quyền.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo huyện Điện Biên nói rằng "có nghe anh em báo cáo đã đi thực tế" cơ sở đơn vị cung cấp giống bò. Vậy nhưng, khi dư luận dấy lên vụ việc này thì huyện đã lập 3 đoàn kiểm tra về các xã. Ngoài ra, số lượng con giống của đơn vị cung cấp nghi vấn sai phạm huyện cũng chưa nắm cụ thể.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tham mưu, đề xuất đơn vị cung ứng giống ra sao khi mà sự thật phô ra thì rất trái ngang với những con bò gầy, yếu và ốm… đã trao cho dân.
Với một tỉnh miền núi như Điện Biên, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp, đáng lẽ nông dân và nông thôn phải là mối bận tâm hơn cả quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là các dự án, chương trình quốc gia. Bởi vì nó là niềm tin của Trung ương, của đồng bào miền xuôi góp thuế cho Nhà nước hỗ trợ miền ngược bứt phá lên, giảm đi đói nghèo.
Hiện tượng “bò gầy” mà doanh nghiệp Đại Thành cung ứng ở huyện Điện Biên ít nhiều làm phụ lòng mong mỏi của nhân dân và những hộ nghèo chậm thêm một nhịp phát triển so với bình thường.
Ngoài ra, huyện Điện Biên cho rằng đề án này do chủ đầu tư là UBND các xã và các tổ cộng đồng đã hợp đồng với đơn vị cung ứng bò. Thường thì chủ đầu tư là cấp xã nhưng ngân sách cũng được phân bổ ở bên trên về, việc phân cấp, phân quyền xuống cấp xã trong vấn đề này đều cho thấy huyện dù trao quyền nhưng lại thiếu giám sát.
Văn bản giới thiệu doanh nghiệp cung ứng con giống của huyện về mặt hình thức là chỉ dẫn, gợi ý nhưng với tính chất khu trú trong huyện nhà dễ khiến cấp dưới hiểu là đơn vị được ưu tiên, thậm chí không loại trừ khả năng gây hiểu ngầm, bất thành văn là đơn vị ấy đã được ưu tiên chọn lựa từ trên. Người xưa có câu "đi qua ruộng dưa chớ sửa giày", cũng có ý bảo, ở vị trí nào đó thì đừng nên có hành vi làm người khác hiểu lầm là vì vậy.
Hiện nay, dư luận tiếp tục nghi vấn khi có thông tin hồ sơ năng lực cũng như các văn bản được cấp phép cho doanh nghiệp Đại Thành có dấu hiệu làm giả. Ở đây, công tác kiểm tra thông tin, đánh giá và đối chiếu thực tế của cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước như thế nào mà một doanh nghiệp tư nhân có thể qua mặt như vậy?
Đã có nhiều tín hiệu tích cực, không thể đổ tại cơ chế
Khó có thể nói vì vận chuyển con giống đường xa, dài ngày nên đàn bò ẽo ợt, bỏ ăn, ngã chổng chân lên trời. Đấy là cách lập luận chưa dựa vào dân, chưa tin vào tri thức dân gian và năng lực nội tại của dân. Những người dân đem cả gạo trắng, cám thơm nấu loãng, hòa nước cho vật nuôi, gia súc ăn uống thì chắc hẳn là họ rất nâng niu, quý trọng nguồn lực bò giống ấy. Họ cũng hiểu rằng nó không chỉ là cái của hiện tại mà còn là cái cho tương lai bởi bò sinh trưởng tốt là có lãi, đẻ thêm bê con nữa là có lời.
Hiện tượng bò gầy ở huyện Điện Biên chỉ là phần rất nhỏ so với tất cả những gì mà hai chương trình quốc gia về phát triển kinh tế vùng khó khăn và hỗ trợ người dân thoát nghèo ở nước ta thời gian qua đã đạt được. Thực tiễn chỉ ra rằng, nếu nơi nào thực hiện tốt, giám sát chặt chẽ và vì lợi ích của nhân dân thì ở đó dự án được triển khai hanh thông.
Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã chia sẻ với báo chí rằng, có nhiều đơn vị cung ứng bò đẹp, giống tốt, người dân nhận về thời gian sau bò sinh thêm bê con. Như vậy, khó có thể nói rằng vướng về cơ chế. Bởi vì nếu có vướng thì sao lại có những hiện tượng rất tích cực như trên. Có chăng sự vướng mắc ấy là phần nhỏ, phát sinh lẻ tẻ của các vấn đề chưa quy định kỹ càng, tỉ mỉ.
Qua sự việc những hộ nghèo nhận bò ốm, gầy xảy ra ở huyện Điện Biên những ngày gần đây, một số vấn đề cần tiếp tục được các cơ quan chức năng làm rõ, công bố. Tuy nhiên, điều trông thấy đang hiện diện đó là nỗi niềm của những hộ dân nghèo trong sự trông đợi, tin cậy vào các cơ quan huyện nhà qua sự việc nhận bò giống không mấy vui lòng.
Nguyên nhân của việc phật lòng dân một phần do chính cán bộ trong huyện thiếu tính thực tiễn, không sâu sát cơ sở, có thể chỉ xem qua báo cáo của đơn vị cung ứng giống. Cùng với đó là năng lực của đội ngũ tham mưu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không sâu sát, thiếu kiểm tra chéo huyện bạn, tỉnh bạn về tình hình hoạt động, cơ sở pháp lý của đơn vị cung ứng nguồn giống dẫn tới sự việc bất thường; quá trình khắc phục hệ quả vẫn dở dang, ảnh hưởng đến tính ưu việt của chủ trương.
>> Chủ tịch huyện Điện Biên: Khi giới thiệu DN cung ứng bò, 'anh em chỉ biết mỗi Đại Thành'