Quốc tế

Bê bối doping của Trung Quốc trước thềm Olympic Paris

Minh Châu - Theo NPR News 27/04/2024 - 10:13

Chỉ chưa đầy một trăm ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè Paris, một cuộc tranh cãi mới về doping đã nổ ra liên quan tới các vận động viên bơi lội đến từ Trung Quốc.

Tổng thống Biden sẵn sàng tranh luận với ông Trump

Vụ bê bối bắt nguồn từ các cuộc kiểm tra doping vào năm 2021 đã cho thấy khả năng có sự che đậy và làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch của khâu xét nghiệm doping quốc tế - vốn nhằm mục đích giữ sự công bằng cho thế vận hội Olympic.

Travis Tygart, người đứng đầu Cơ quan chống doping Mỹ (USADA), cho biết: “Thật đáng buồn khi có thông tin 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với một loại thuốc kích thích mạnh vào đêm trước Thế vận hội Olympic 2021”.

Cũng theo ông Tygart, Cơ quan phòng chống doping thế giới và Cơ quan phòng chống doping Trung Quốc đã bí mật che giấu những thông tin này cho đến tận bây giờ.

Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) thừa nhận đã biết được kết quả xét nghiệm dương tính với doping của gần 20 vận động viên bơi lội Trung Quốc trước Thế vận hội Tokyo.

Các quan chức WADA cho biết họ chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc cho rằng trong các kết quả xét nghiệm chỉ tìm thấy một lượng nhỏ chất trimetazidine, thường được gọi là TMZ, do các vận động viên vô tình tiếp xúc phải.

“Các chuyên gia và điều tra viên của WADA không thể tiến hành kiểm tra tại chỗ bởi các lệnh hạn chế và giãn cách xã hội do COVID ở Trung Quốc. Cuối cùng, WADA đã kết luận rằng họ không thể bác bỏ khả năng các vận động viên dương tính với TMZ là do vô tình tiếp xúc", phía WADA tuyên bố.

Không rõ tại sao các quan chức thể thao từ các quốc gia khác không được thông báo về các cuộc xét nghiệm doping tại Trung Quốc hoặc các cuộc điều tra kế tiếp đó. Các quy định quốc tế cũng yêu cầu "tạm đình chỉ" bất cứ khi nào vận động viên có kết quả xét nghiệm dương tính. Điều đó đã không xảy ra với các vận động viên Trung Quốc.

Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội, vận động viên bơi lội người Anh James Guy, người đã giành được hai huy chương vàng ở Olympic Tokyo và sẽ thi đấu ở Paris, đã công khai chỉ trích các vận động viên Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính.

“Hãy cấm tất cả và không bao giờ cho họ thi đấu nữa”, Guy chia sẻ trên X.

Người đứng đầu Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ (USOPC) cho biết thời điểm công bố những thông tin này đã gây nên một cú sốc lớn đối với các vận động viên.

Bà Sarah Hirshland, giám đốc điều hành USOPC, cho biết: “Những cáo buộc gần đây về doping đã gây ra sự hoài nghi về tính cạnh tranh công bằng khi Olympic và Paralympic Paris sắp diễn ra”.

Về phần mình, ông Tygart đã đặt nghi vấn về tính hợp lý trong lời giải thích của Trung Quốc rằng các xét nghiệm dương tính với TMZ là do vận động viên vô tình tiếp xúc.

“Có lẽ một phần lý do cho việc che đậy là bởi họ cho rằng sẽ không ai tin lời biện hộ này, họ không thể tuân theo các quy tắc vì đó là một lý do không tưởng và sẽ không ai tin vào nó'", ông Tygart chỉ ra.

Các bê bối doping mỗi mùa Olympic

Trimetazidine hay TMZ là loại thuốc kích thích được vận động viên trượt băng nghệ thuật người Nga Kamila Valieva sử dụng trước Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh. Đây là hành vi vi phạm khiến Valieva bị cấm thi đấu quốc tế trong vòng 4 năm.

Vụ việc đó cũng liên quan đến sự chậm trễ trong việc thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với doping của Valieva, khiến Thế vận hội Bắc Kinh rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Đã có tới 9 vận động viên trượt băng Mỹ phải nhận huy chương vàng muộn và họ vẫn đang chờ đợi lễ trao giải chính thức sau hai năm.

Các nhà phê bình cho rằng đáng lẽ WADA và phía Trung Quốc phải công bố ngay kết quả kiểm tra của các vận động viên bơi lội với các quốc gia khác.

Cuộc điều tra lần đầu tiên được công bố bởi tờ New York Times và kênh thông tấn ARD của Đức. ARD đã phát sóng một bộ phim tài liệu về vụ việc và công bố danh sách đầy đủ các vận động viên Trung Quốc được cho là có kết quả xét nghiệm dương tính với doping.

Danh sách này bao gồm các vận động viên nổi tiếng đã giành huy chương vàng ở Olympic Tokyo là Zhang Yufei và Wang Shun. Cả hai dự kiến sẽ tái tham dự Thế vận hội Olympic Paris vào mùa hè này.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn DPA của Đức, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã kêu gọi điều tra vụ việc.

Bà Faeser nói: “Nếu các vận động viên Trung Quốc có thể vô địch Olympic Tokyo bất chấp các bằng chứng dương tính với doping thì đó sẽ là một thảm họa đối với thể thao thế giới”.

Sự mất kiểm soát trong việc xét nghiệm doping

Cuối tuần qua, cơ quan phòng chống doping Trung Quốc (CHADA) đã phản bác lại những cáo buộc về hành vi bao che cho vận động viên dính doping.

Trong một tuyên bố được Tân Hoa Xã đưa ra, các quan chức CHADA cho biết cuộc điều tra của họ đã tìm thấy lượng TMZ "cực kỳ thấp" ở những vận động viên bơi lội Trung Quốc.

“WADA đã đồng ý với kết luận của chúng tôi sau khi xem xét kỹ lưỡng”, cơ quan này cho biết.

Trong khi đó, WADA lên án những lời chỉ trích bằng một tuyên bố đe dọa sẽ can thiệp pháp lý, gọi những cáo buộc về hành vi sai trái là “thái quá, hoàn toàn sai sự thật và phỉ báng”.

Cơ quan này cho biết: “WADA luôn hành động theo hướng thiện chí, đúng quy trình và tuân theo lời khuyên từ cố vấn bên ngoài”.

Bê bối mới, nghi vấn cũ

Vụ bê bối này làm dấy lên câu hỏi về khả năng đối phó với các quốc gia bị cáo buộc sử dụng doping một cách có hệ thống nhằm đạt được lợi thế không công bằng tại Thế vận hội Olympic và các sự kiện thể thao lớn.

Ủy ban Olympic Quốc tế đã hứng chịu chỉ trích vì cho phép các vận động viên Nga tiếp tục thi đấu tại Thế vận hội Mùa đông và Mùa hè với tư cách trung lập (không treo cờ hay hát quốc ca Nga), bất chấp bằng chứng sử dụng doping có hệ thống.

Cũng tại Thế vận hội Tokyo, đã có nhiều nghi vấn xoay quanh vận động viên bơi lội người Nga Evgeny Rylov, người đã giành huy chương vàng ở nội dung 200m bơi ngửa nam.

Vận động viên người Mỹ Ryan Murphy, người đoạt huy chương bạc, chia sẻ trong một cuộc họp báo sau đó vào năm 2021: “Tôi không biết liệu cuộc thi có minh bạch 100% hay không, và đó là do những điều từng xảy ra trong quá khứ.”

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những nghi vấn về việc liệu các tuyển thủ của họ có sử dụng doping một cách có hệ thống hay không.

Tại Thế vận hội Mùa hè 2012 ở London, vận động viên bơi 16 tuổi Ye Shiwen của Trung Quốc đã đánh bại đối thủ ở vòng cuối cùng nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân nữ.

Tốc độ trong 50 m cuối cùng của Ye nhanh hơn so với vận động viên kì cựu người Mỹ Ryan Lochte ở cùng nội dung bơi nam, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu thành tích này có thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ của chất kích thích hay không.

Real Madrid làm căng, không chấp nhận Mbappe dự TVH Olympic

Tác động của lệnh cấm TikTok đối với thị trường công nghệ Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình: Mỹ và Trung Quốc nên là đối tác

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/be-boi-doping-cua-trung-quoc-truoc-them-olympic-paris-post145783.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bê bối doping của Trung Quốc trước thềm Olympic Paris
    POWERED BY ONECMS & INTECH