J-10C gây chấn động khi hạ gục 5 máy bay phương Tây: Quốc phòng Trung Quốc đứng trước 'thời khắc DeepSeek'?
Nguy cơ xung đột vũ trang nóng bỏng ở Nam Á làm rung chuyển thị trường quốc phòng toàn cầu, tuy nhiên cũng đặt ra câu hỏi: liệu Trung Quốc có đang bước vào kỷ nguyên mới của sức mạnh quân sự và vị thế địa chính trị?
Trong lĩnh vực địa chính trị và quốc phòng, những sự kiện đột phá thường có tác động mạnh mẽ hơn các phân tích số liệu thông thường. Các nhà phân tích quốc tế đang đánh giá lại tiềm lực quân sự và vị thế xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh sau những diễn biến mới nhất của tình hình thế giới.
Căng thẳng Pakistan-Ấn Độ vừa qua đã tạo tiếng vang lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Theo thông báo từ Islamabad, lực lượng không quân nước này đã sử dụng máy bay chiến đấu J-10C do Trung Quốc sản xuất để bắn hạ năm máy bay của Ấn Độ, bao gồm ba chiếc Rafale của Pháp, một chiếc MIG-29 và một chiếc Su-30 từ Nga. Phía New Delhi chưa đưa ra xác nhận hay phủ nhận chính thức, và các bằng chứng hiện vẫn đang được kiểm chứng.

Thị trường tài chính đã phản ứng nhanh chóng trước thông tin này. Đây được xem là cuộc đối đầu trực tiếp đầu tiên giữa máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc với các máy bay tiên tiến phương Tây - với kết quả bất ngờ nghiêng về phía Trung Quốc. Cổ phiếu của Avic Chengdu Aircraft Co., đơn vị sản xuất máy bay J-10C, đã tăng vọt 20,6% trong phiên giao dịch thứ Hai, trong khi cổ phiếu Dassault Aviation SA của Pháp giảm 6,2%.
Nhiều chuyên gia quốc phòng nhận định đây có thể là một "khoảnh khắc DeepSeek" trong lĩnh vực quân sự của Trung Quốc, tương tự như sự kiện cuối tháng 1 khi một công ty khởi nghiệp tại Hàng Châu ra mắt mô hình trí tuệ nhân tạo có hiệu suất tương đương OpenAI nhưng chi phí thấp hơn nhiều lần, làm bùng nổ giá cổ phiếu công nghệ Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có đang chứng kiến một xu hướng tương tự trong ngành công nghiệp quốc phòng?
Theo nhiều chuyên gia an ninh, có nhiều điểm tương đồng đáng chú ý giữa 2 sự kiện này. Mặc dù cộng đồng quốc tế vẫn đang đánh giá mức độ ảnh hưởng thực sự của DeepSeek đối với các công ty công nghệ lớn của Mỹ, sự xuất hiện của doanh nghiệp này đã mở ra hướng phát triển mới cho Trung Quốc, chứng minh rằng tăng trưởng vẫn có thể đạt được bất chấp chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Có 1 quan điểm mới đang hình thành: ngoài sản xuất điện tử và dệt may, các công ty Trung Quốc có thể phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực phần mềm, từ đó tiềm năng giành thị phần trong xuất khẩu dịch vụ - lĩnh vực mà Mỹ hiện đang dẫn đầu.
Trong bối cảnh tương tự, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có thể mở rộng đáng kể hoạt động xuất khẩu vũ khí trong tương lai. Theo số liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, giai đoạn 2020-2024, Trung Quốc chỉ chiếm 5,9% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu, thấp hơn nhiều so với 43% của Mỹ. Hiện tại, thị trường xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc còn hạn chế về mặt địa lý, với gần hai phần ba lượng vũ khí được xuất sang Pakistan.

Viễn cảnh Trung Quốc mở rộng xuất khẩu máy bay chiến đấu và tên lửa sang các quốc gia Nam Bán cầu đang dần hiện thực hóa. Hiện nay, Bắc Kinh đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất ở khu vực Tây Phi, chiếm 26% tổng lượng vũ khí nhập khẩu tại đây. Đây là lĩnh vực kinh doanh có tiềm năng lợi nhuận cao: Dassault Aviation đã đạt biên lợi nhuận ròng 17% trong năm vừa qua.
Giới đầu tư cần kiên nhẫn chờ đợi trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để đánh giá liệu các quốc gia đang phát triển có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh có tăng cường mua sắm trang thiết bị quân sự từ Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, việc rót vốn đón đầu trước khi doanh thu tăng trưởng rõ rệt không phải là chiến lược mới trong ngành quốc phòng.
Tại châu Âu, cổ phiếu các tập đoàn quốc phòng của Đức và Pháp ghi nhận mức tăng ấn tượng trong năm nay. Động lực đến từ chính sách đối ngoại độc lập hơn của Mỹ và cam kết nâng chi tiêu quốc phòng từ các quốc gia thành viên NATO. Dù vẫn còn nhiều nghi ngại về khả năng phối hợp giữa các nước châu Âu, thị trường đã phản ứng tích cực: cổ phiếu Dassault tăng hơn 50% tính từ đầu năm, bất chấp phiên giảm điểm hôm thứ Hai. Trong khi đó, giá trị thị trường của Rheinmetall AG và Hensoldt AG – hai tên tuổi lớn tại Đức – đã tăng gấp đôi.
Nguồn cung hạn chế cũng là yếu tố góp phần đẩy giá cổ phiếu quốc phòng tại châu Âu. Số lượng công ty quốc phòng niêm yết công khai không nhiều, tạo ra sự khan hiếm cho các nhà quản lý tài sản muốn tiếp cận lĩnh vực này. Nhiều thập kỷ qua, châu Âu phụ thuộc vào Mỹ trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, khiến ngành công nghiệp quốc phòng khu vực trở nên phân mảnh và cần tái cơ cấu.
Trung Quốc hiện đối mặt với tình huống tương tự. Nỗ lực hiện đại hóa quân đội mới chỉ bắt đầu mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đến giữa thập niên 2010, nước này mới từng bước giảm phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu từ Nga.
Trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, không gì hiệu quả hơn thành công trong chiến trường thực tế. Mối quan hệ bền chặt giữa Trung Quốc và Pakistan đang mang lại lợi thế chiến lược. Islamabad hiện đóng vai trò như một “vị đại sứ” quảng bá sức mạnh quân sự của Bắc Kinh ra thị trường toàn cầu.
Tham khảo BNN, Politico
Tổng thống Pháp sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân tại các quốc gia châu Âu
Nga tiết lộ loại vũ khí có khả năng xuyên thủng mọi xe tăng của Ukraine