Bế tắc ở dự án hơn 8.600 tỷ đồng, 'treo' 27 năm chưa hẹn ngày về đích
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng “treo” 27 năm, đang đối diện với nguy cơ tiếp tục kéo dài khi việc giải tỏa mặt bằng chủ yếu mới thực hiện được ở Đà Nẵng, còn với phần đất thuộc tỉnh Quảng Nam thì vẫn giậm chân tại chỗ.
Dân “mắc kẹt” giữa dự án treo hàng chục năm
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng nằm trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Dự án được Chính phủ phê duyệt năm 1997 với quy mô 300ha. Trong đó, diện tích nằm trên địa bàn phường Hoà Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là 110ha và địa bàn phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là 190ha.
Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỷ đồng nhưng đến nay đã 27 năm vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân chính là do vướng mắc về việc giải phóng mặt bằng và nguồn vốn.
Ngày 10/4, ghi nhận của PV VietNamNet, tại khu vực dự án hiện nay là hai hình thái đối lập. Ở phía phường Hòa Quý (Đà Nẵng) nhiều hộ dân đã tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
Trong khi đó, phía địa bàn phường Điện Ngọc (Quảng Nam) hàng ngàn hộ dân nằm trong khu vực dự án vẫn chưa có “động tĩnh” gì trong việc di dời. Họ sống trong các căn nhà xập xệ, xuống cấp.
Người dân cho biết, việc dự án kéo dài quá lâu khiến họ gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống hằng ngày khi không thể sửa chữa nhà cửa, không thể tách thửa chia đất cho con xây nhà ở…
Ông Nguyễn Để (66 tuổi, ngụ khối phố Tứ Hà, phường Điện Ngọc) cho biết: “Gia đình có 7.000m2 đất thổ cư nhưng đến nay vẫn không thể tách thửa được cho con làm nhà ở chỉ vì ảnh hưởng bởi dự án. Chúng tôi đang vất vả ngay trên mảnh đất của mình bởi dự án kéo dài”.
Ông Trương Hà, Trưởng khối phố Tứ Hà (phường Điện Ngọc) cho hay, dự án treo 27 năm, người dân ở đây vô cùng thiệt thòi và bức xúc. Cơ sở hạ tầng không được đầu tư. Người dân mang tiếng sống ở khu đô thị nhưng đường sá vẫn là đường đất, bụi bặm.
“Dự án treo 27 năm là quá dài, đến nay vẫn chưa có bất kỳ động tĩnh gì, người dân rất hoang mang, thiệt thòi trong dự án này. Nguyện vọng của chúng tôi là triển khai dự án càng sớm càng tốt”, ông Hà cho hay.
‘Thông’ giải phóng mặt bằng Đà Nẵng, vẫn ‘tắc’ ở Quảng Nam
Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), diện tích dự án thuộc địa bàn Đà Nẵng đã giải phóng mặt bằng các giai đoạn trước 39ha. Hiện đang giải phóng mặt bằng 40ha và dự kiến hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 30/4. Còn lại khoảng 30ha sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Hoà, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, quận đang tập trung các giải pháp để hoàn thành giải phóng 40ha mặt bằng phục vụ dự án Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho dự án.
Nếu như dự án đang được khơi thông ở Đà Nẵng thì phía Quảng Nam vẫn còn “bế tắc”. Mới đây, UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) vừa có báo cáo rà soát, đánh giá thực trạng tại khu vực Dự án Làng Đại học Đà Nẵng.
Cụ thể theo rà soát của tỉnh Quảng Nam, phần diện tích cần giải phóng mặt bằng là 170,28/190ha, liên quan đến 1.845 hộ dân. Trong đó có 1.375 hộ ảnh hưởng đất ở, cần 3.155 lô đất tái định cư trên diện tích hơn 100ha.
Đến nay, Quảng Nam mới chỉ triển khai 1,02ha khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng do đường bao dự án.
Theo tính toán của tỉnh Quảng Nam, kinh phí xây dựng khu tái định cư (dự tính theo suất đầu tư của Bộ Xây dựng) và bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực này sẽ cần đến gần 4.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này rất khó bố trí để có thể thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cho hay: “Quảng Nam đã có đề xuất đối với Chính phủ. Theo đó, nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện sớm dự án thì có thể bố trí vốn giải phóng mặt bằng, Quảng Nam cam kết sẽ bàn giao mặt bằng trước năm 2030.
Trường hợp nếu không thể bố trí vốn thì xem xét điều chỉnh khu vực này, chỉ giải phóng khoảng 50ha khu vực thuận lợi để Đại học Đà Nẵng xây dựng các công trình phụ trợ. Phần còn lại sẽ chỉnh trang, tạo điều kiện cho người dân thực hiện, thị xã cũng dễ dàng đầu tư các công trình phục vụ nhân dân”.
Cận cảnh dự án căn hộ cao cấp 100 triệu USD 'đắp chiếu' bên bờ sông Hàn