Địa đạo được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996.
Địa đạo Củ Chi là một trong những điểm đến nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ở miền Bắc cũng có một địa đạo rất đặc biệt, đó chính là địa đạo Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội). Hầm địa đạo này đã trở thành căn cứ địa cách mạng hữu ích che chở, bảo vệ các đồng cán bộ trước sự lùng sục, truy bắt của quân Pháp.
Sử sách còn ghi, mặc cho bom cày, đạn xới, du kích và nhân dân Nam Hồng vẫn kiên gan, bền lòng, đào 465 hầm bí mật, 2.680 hố tác chiến, đào đắp hơn 11km địa đạo, giao thông hào, thành lũy phân bố ở khắp các thôn trong xã phục vụ chiến đấu và sản xuất.
Theo đó, những năm kháng chiến chống Pháp khốc liệt, người dân xã Nam Hồng phải đối diện với những trận càn quét của địch theo chiến thuật “vết dầu loang”. Bấy giờ, có đến 250 lần quân địch vào làng khiến 461 người chết, cướp và đốt 346 tấn thóc, 2.047 ngôi nhà bị cướp và cháy. Nhìn cảnh đổ nát của khu làng, người dân Nam Hồng không thể ngồi im mà quyết tâm vùng lên chiến đấu. Dân làng quyết định rào làng đắp lũy, đào hầm chiến đấu, hầm bí mật, hố chông, cạm bẫy, địa đạo Nam Hồng cũng ra đời từ đó.
Được biết, cả địa đạo dài khoảng hơn 11km giờ chỉ còn giữ được khoảng 200m, chạy qua lòng đất của các gia đình. Trong số hàng chục cửa hầm lên xuống địa đạo, hiện chỉ còn hai cửa hầm, trong đó, một cửa nằm dưới gầm giường nhà cụ Phạm Thị Lai, một cửa hầm nằm ở góc nhà cụ Phạm Văn Dộc.
Sau ngần ấy năm, ngôi nhà của cụ Lai dù đã sửa sang, tôn tạo để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình nhưng hình dáng vẫn giữ gần như nguyên vẹn. Mỗi khi có đoàn khách tới tìm hiểu di tích địa đạo, UBND xã Nam Hồng phải thông báo trước cho cụ Lai để cụ cùng con cháu chuẩn bị đón tiếp, tháo tung chiếc giường bên trên mới mở được cửa hầm.
Lối xuống địa đạo qua cửa hầm dưới gầm giường nhà cụ Lai khá nhỏ, chỉ đủ cho một người lớn đi. Có một chiếc thang sắt gắn vào vách hầm để mọi người lên xuống.
Một cửa hầm khác để lên xuống địa đạo vẫn giữ được nguyên vẹn nằm tại góc nhà bếp ông Phạm Văn Dộc (được biết từ cửa hầm này sẽ thông qua cửa hầm nhà cụ Phạm Thị Lai với chiều dài khoảng 80m). Khung cảnh đầu tiên hiện ra khi xuống bên dưới địa đạo là một đoạn tường được xây bằng gạch, trần uốn cong kiểu mái vòm.
Đây là đoạn địa đạo nguyên bản còn sót lại, được xây từ hơn 70 năm trước. Đi tiếp sẽ thấy một đoạn địa đạo khác, hiện được chính quyền và cơ quan chức năng đặt những tấm bê tông cốt thép lớn ở hai bên và trên đỉnh với mục đích chống sập.
Bên ngoài bức tường nhà ông Dộc vẫn còn tấm bia đá ghi dòng chữ: "Nơi đây, đồng chí Trần Xuyên, Chính trị viên thôn - đội du kích đã hy sinh sau gần 1 ngày cùng đồng đội đánh trả 1 tiểu đoàn địch vây càn".
Ngoài địa đạo, làng kháng chiến Nam Hồng cũng chỉ còn lại một ít dấu tích như một số đoạn hào, lũy chiến đấu, vọng gác, hòm thư bí mật…