Bí ẩn về lịch sử của chùa Chân Tiên - ngôi chùa gần nghìn năm tuổi từng sở hữu bảo vật trong ‘An Nam tứ đại khí’
Ngôi chùa nằm bên hồ Lục Thủy (hồ Gươm) đã đi vào huyền thoại của đất Thăng Long - Hà Nội.
Chùa Chân Tiên là một trong những ngôi chùa cổ kính và lâu đời nhất của Thăng Long - Hà Nội, mang trong mình bề dày lịch sử gần 1.000 năm. Hiện nay, ngôi chùa tọa lạc tại số 151 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trải qua nhiều lần di dời do biến động lịch sử, chùa vẫn giữ được vẻ đẹp độc đáo, là biểu tượng tâm linh và kiến trúc của vùng đất Kinh kỳ.
Chùa Chân Tiên đã có bề dày lịch sử gần 1.000 năm. Ảnh: Nhịp sống Hà Nội
Theo cuốn Hà Nội Danh thắng và Di tích, tập 2, chùa Chân Tiên được xây dựng vào đời vua Lý Thánh Tông (thế kỷ XI) tại thôn Tiên Thị, khu vực nay là Nhà thờ Lớn Hà Nội.
TS. Hoàng Anh Tuấn, trong bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học tháng 7/2021, cho biết tiền thân của chùa Chân Tiên chính là chùa Báo Thiên – ngôi chùa nổi tiếng bên hồ Lục Thủy (hồ Gươm ngày nay) đã đi vào huyền thoại nhờ quy mô to lớn và ngọn tháp Báo Thiên được liệt vào An Nam tứ đại khí.
Tương truyền, năm 1056, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ 3 triều Lý, trong giai đoạn “Vua giỏi tôi hiền, đất nước cường thịnh, nhân dân yên bình”. Vua Lý Thánh Tông, một bậc minh quân, sùng kính đạo Phật, cho xây dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên trên một gò cao bên bờ hồ Lục Thủy. Sau năm 1057, nhà vua lại cho xây tiếp cây tháp trước chùa, tháp được đặt tên là “Bảo tháp đại thắng tự thiên”. Tháp Báo Thiên nghĩa là tháp quý thông báo chiến thắng lên trời, tháp gồm 13 tầng, cao 20 trượng, đỉnh tháp được đúc bằng đồng. Đây là một trong tứ khí của kinh thành Thăng Long.
Chùa đã trải qua nhiều lần di dời do biến động lịch sử. Ảnh: Thành Huỳnh
Thời chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782), do nhu cầu mở rộng phủ chúa, dân làng Tiên Thị cùng chùa Báo Thiên phải chuyển về khu vực Phụ Khánh (nay là Hỏa Lò). Tại đây, chùa được đổi tên thành chùa Chân Tiên để ghi nhớ địa danh gốc Tiên Thị.
Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, chúng đã lấy toàn bộ đất Phụ Khánh (gọi nôm na là làng Hỏa Lò) để xây nhà tù Hỏa Lò và tòa án. Chùa Chân Tiên lại chuyển về làng Thể Giao (nay là phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng).
Tấm bia “Phụ Khánh Chân Tiên bi ký” dựng năm Đinh Dậu Thành Thái thứ 9 (1897) và các tấm bia khác đã cho biết quá trình di chuyển và xây dựng chùa.
Ngày nay, chùa Chân Tiên quay hướng Tây, Tam quan giáp phố Bà Triệu. Phía trong có Tam bảo, điện Mẫu, nhà Tổ, trai phòng, vườn tháp. Tam bảo hình “chuôi vồ”, gồm tiền đường 5 gian làm kiểu đầu hồi bít đốc, thượng điện 3 gian.
Trong chùa có hệ thống tượng Phật, tượng mẫu. Ảnh: Cậu Ba
Chùa còn giữ được những di vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như nhang án, bản ván khắc kinh Phật, 17 tấm bia đá triều vua Thành Thái, những mảng chạm khắc, đặc biệt là bức phù điêu khắc gỗ đề tài “Ngũ hổ”. Trong chùa còn có một quả chuông cổ lớn, lạc khoản ghi “Thuận Phúc nhị niên tứ nguyệt sơ lục tạo” (Thuận Phúc là niên hiệu Mạc Mục Tông từ 1562 đến 1565).
Năm 1990, chùa Chân Tiên được công nhận là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia. Không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của người dân, chùa còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Chân Tiên không chỉ là biểu tượng của Phật giáo mà còn là nhân chứng sống động của những biến động và phát triển của Hà Nội. Ngày nay, chùa vẫn là điểm đến tâm linh, thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.
Công ty của Sơn Tùng M-TP góp 1,5 tỷ đồng hỗ trợ xây điểm trường liên cấp cho thôn Làng Nủ
Vụ công ty của Sơn Tùng M-TP bị kiện: Tòa hủy phán quyết buộc đền bù 6 tỷ đồng