Người dân có thể cập nhật các kế hoạch, chương trình chuyển đổi số hoặc giải pháp số hóa cho tỉnh thông qua website này.
Trang thông tin chuyển đổi số có địa chỉ cds.binhphuoc.gov.vn, thiết kế giao diện hiện đại, dễ dàng truy cập bằng thiết bị máy tính hay điện thoại thông minh.
Website cung cấp các thông tin về biểu đồ xếp hạng chuyển đổi số của các cơ quan, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh; tin tức tổng hợp về chuyển đổi số của tỉnh; thư viện đa phương tiện liên quan chuyển đổi số.
Từ đây người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể truy cập tìm hiểu thông tin về chuyển đổi số của tỉnh; tìm kiếm các giải pháp, ứng dụng, hệ thống dịch vụ công đã và đang được cung cấp trên nền tảng số phục vụ nhu cầu công việc và cuộc sống.
Các cá nhân, tổ chức cũng có thể thực hiện gửi ý kiến trên trang thông tin chuyển đổi số để góp ý, hiến kế cho chương trình chuyển đổi số của tỉnh.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Bình Phước luôn quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực chuyển đổi số.
Hiện tỉnh vẫn duy trì vị trí đứng đầu cả nước ở hai khía cạnh là thanh toán nghĩa vụ đất đai trực tuyến và chứng thực điện tử, đồng thời xếp thứ 25/63 tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số.
Lãnh đạo tỉnh mong muốn các đơn vị cung cấp công nghệ sẽ có nhiều chia sẻ, thảo luận về các định hướng, cách làm hay để Bình Phước tăng cường kết nối và có những hoạt động cụ thể về chuyển đổi số trong tương lai, đặc biệt là ứng dụng nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng.
Do đó, các tỉnh cần có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm xây dựng mạng lưới tư vấn và hỗ trợ về kinh phí sử dụng nền tảng số hoặc hỗ trợ kinh phí tư vấn.
Thời gian qua, Bình Phước tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Định hướng đến năm 2025, tỉnh cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 218 doanh nghiệp, hợp tác xã bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với 466 sản phẩm; 5 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã được tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện; 160 doanh nghiệp đang dùng nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất; ngành thuế tỉnh đã và đang chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh.
Trước mắt, tỉnh chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa.