Bất động sản

Bình Thuận hợp tác với Đan Mạch phát triển điện gió ngoài khơi

Nhật Anh 30/08/2023 - 10:05

Bình Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng gió tốt nhất tại Việt Nam, có điều kiện đáy biển lý tưởng để lắp đặt móng tuabin gió cố định, đồng thời có tiềm năng phát triển các cảng biển và lưới điện quy mô lớn phục vụ khai thác năng lượng gió.

Bình Thuận hợp tác với Đan Mạch phát triển ngành điện gió ngoài khơi - Ảnh 1.

Hội thảo triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy kinh tế biển tỉnh Bình Thuận - Ảnh: VGP/NA

Ngày 29/8, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) của Đan Mạch phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức Hội thảo "Bình Thuận: Triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy kinh tế biển".

Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, cùng hơn 50 khách mời là đại diện các cơ quan Nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Hội thảo giới thiệu những cơ hội đối với tỉnh Bình Thuận khi phát triển ngành điện gió ngoài khơi, như thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng và cơ hội việc làm; tiềm năng phát triển kinh tể biển song hành với các hoạt động hiện hữu, như đánh bắt thủy hải sản, du lịch, bảo tồn hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế biển khác.

Theo ông Stuart Livesey, đại diện của Tập đoàn CIP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có công suất 3,5 GW, Bình Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng gió tốt nhất tại Việt Nam, có điều kiện đáy biển lý tưởng để lắp đặt móng tuabin gió cố định, đồng thời có tiềm năng phát triển các cảng biển và lưới điện quy mô lớn phục vụ khai thác năng lượng gió.

Ông Stuart Livesey cho rằng việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi hứa hẹn sẽ tạo ra cơ hội việc làm chất lượng cao cho người lao động tại địa phương và trên cả nước, đem đến cơ hội chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phát triển chuỗi cung ứng, giúp ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam ngày càng phát triển và nắm bắt được những cơ hội mới.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Tập đoàn CIP đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm chuyên sâu được đúc kết từ quá trình phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trên khắp thế giới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc phát triển điện gió ngoài khơi có thể mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, phát triển hài hòa với các hoạt động đánh bắt thủy hải sản, phát triển du lịch và bảo tồn hệ sinh thái nếu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cao.

Ngoài ra, dựa trên nghiên cứu của Tập đoàn CIP, tỉ lệ nội địa hóa tại một trang trại gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt trên 40%. Ví dụ, với chi phí dự kiến khoảng 10,5 tỷ USD cho trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn, 4,4 tỷ USD sẽ được chi tiêu cho các hạng mục được thực hiện tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển và quản lý dự án, cung cấp phần móng, trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, cảng xây dựng, vận hành và dịch vụ bảo trì.

Tập đoàn CIP là một trong 3 nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới và là nhà đầu tư tập trung phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất toàn cầu có trụ sở tại Đan Mạch. Với năng lực tài chính và kỹ thuật vững chắc, cũng như kinh nghiệm sâu rộng đối với mọi giai đoạn trong quy trình phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, CIP có nhiều triển vọng hợp tác cùng các đối tác Việt Nam phát triển thành công các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn (trên 500 MW) trong nước.

Bình Thuận hợp tác với Đan Mạch phát triển ngành điện gió ngoài khơi - Ảnh 3.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz cho biết, là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi từ năm 1991, Đan Mạch rất mong muốn hỗ trợ tỉnh Bình Thuận khởi tạo thành công ngành điện gió ngoài khơi - Ảnh: VGP/NA

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh, phát triển năng lượng là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, nhưng hiện nay tỉnh đang ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi vì quỹ đất trên bờ để phát triển các ngành kinh tế khác.

Bình Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi do có tốc độ đo gió lớn, có bờ biển dài và độ sâu mực nước biển nông, do đó, trong thời gian tới, mong muốn Đại sứ quán Đan Mạch giới thiệu các nhà đầu tư của Đan Mạch có kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi đến đầu tư tại tỉnh.

Đánh giá cao quyết tâm của tỉnh Bình Thuận, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz cho biết, với tư cách là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi từ năm 1991, Đan Mạch rất mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình nhằm hỗ trợ tỉnh Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung khởi tạo thành công ngành điện gió ngoài khơi.

Bình Thuận bất ngờ đình chỉ điều tra giữa lùm xùm thu hồi đất tại đại lộ đẹp nhất tỉnh

Chỉ một hành động, loại tôm bạc biến mất từ 1976 nay xuất hiện ở biển Bình Thuận

Vì sao sở hữu tới 9 khu công nghiệp nhưng Bình Thuận vẫn "than thở" kêu gọi đầu tư?

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/binh-thuan-hop-tac-voi-dan-mach-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-102230830075449795.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bình Thuận hợp tác với Đan Mạch phát triển điện gió ngoài khơi
POWERED BY ONECMS & INTECH