TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, diễn biến của dịch vẫn còn rất phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, tác động không nhỏ tới doanh nghiệp, người dân, khiến gia tăng nợ xấu thời gian tới. Ông dự báo tỷ lệ nợ xấu có thể lên đến 2,5-3% vào cuối năm 2021.
Thông tin của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dưới tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng, từ mức 1,69% thời điểm cuối năm 2020 lên mức 1,78% vào cuối tháng 4/2021. Ghi nhận tại báo cáo tài chính đã công bố của gần 30 ngân hàng thương mại (NHTM) cũng chỉ ra, tổng nợ xấu nội bảng tăng 4,51% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Con số này chưa phải là quá lớn, nhưng nợ xấu tiềm ẩn thời gian tới từ các khoản cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là thách thức mà các ngân hàng sẽ phải đối diện. Theo chuyên gia, các số liệu về nợ xấu hiện nay chưa phản ánh đầy đủ nhất về tình hình thực tế, bởi các ngân hàng đang được phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của NHNN.
TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, diễn biến của dịch vẫn còn rất phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, tác động không nhỏ tới doanh nghiệp, người dân, khiến gia tăng nợ xấu thời gian tới. Ông dự báo tỷ lệ nợ xấu có thể lên đến 2,5-3% vào cuối năm 2021.
Chính bởi thế, không khó lý giải khi hầu hết các ngân hàng đều đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Với khối NHTM Nhà nước, BIDV là nhà băng trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất trong nửa đầu năm 2021, với 15.424 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Agribank ghi nhận mức trích lập 12.650 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ.
Chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank cũng tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức 5.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 và ngân hàng dự kiến sẽ trích lập hơn 10.000 tỷ đồng cho cả năm 2021. VietinBank cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro 28% so với cùng kỳ lên 8.456 tỷ đồng.
Ở khối NHTMCP tư nhân, VPBank đạt mức trích lập 8.653 tỷ đồng; ACB trích lập 6.352 tỷ đồng - tăng 66%; MB ghi nhận con số 4.240 tỷ đồng - tăng 28%; Techcombank trích lập 1.448 tỷ đồng - tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020…
Nhờ đó tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng tiếp tục được củng cố. Đây được xem là nền tảng để ngân hàng chủ động ứng phó, chống chịu tốt hơn với các rủi ro trong tương lai, không để nợ xấu tăng đột biến.
Vietcombank đứng top đầu ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao - đạt 352% (tới cuối tháng 6/2021); Techcombank cũng là ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng, đạt mức 259%. Tỷ lệ này ở MB, ACB đều trên 200%. VietinBank, Agribank, BIDV tỷ lệ bao nợ xấu quanh 130%, TPBank là 145%...
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho hay: Việc các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ tích cực, cao hơn 100% đồng nghĩa với việc xử lý nợ xấu của ngân hàng đó tốt.