BCTC quý II cận kề: Hai cổ phiếu ngân hàng được dự báo 'lên sóng lớn'
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Đức Hiền - Sáng lập Cộng đồng Đầu tư Go Invest về diễn biến cổ phiếu ngân hàng tuần qua.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7 với tín hiệu khởi sắc trên diện rộng, đánh dấu cột mốc cao nhất trong hơn ba năm qua. Trong bức tranh hồi phục mạnh mẽ ấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giữ vai trò trụ cột, thu hút dòng tiền cả từ nhà đầu tư nội lẫn khối ngoại. Khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đang đến rất gần, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng được giới phân tích đánh giá có tiềm năng tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Đức Hiền – Sáng lập Cộng đồng Đầu tư Go Invest đã phân tích rõ hơn bối cảnh thị trường hiện tại, triển vọng nhóm ngân hàng và phân tích 2 mã cổ phiếu được giới đầu tư dõi theo sát sao bởi khả năng “lên sóng lớn” trong kỳ báo cáo quý II/2025.

Diễn biến thị trường chung (tuần 30/6 - 4/7)
Đóng cửa tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7 tại cột mốc 1.386,97 điểm (+0,36%), chứng khoán Việt đã thiết lập vùng giá ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Trải qua một tuần với 4 phiên xanh, chỉ riêng phiên ngày thứ năm đỏ, VN-Index ghi nhận tăng 15,53 điểm so với tuần trước đó, thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc khi thị trường gần như “sụp đổ” trước cú sốc thuế quan và duy trì hoàn hảo thành quả 300 điểm hồi phục từ đáy 1.094 điểm hồi giữa tháng 4.
Đáng chú ý, sự sôi động của thanh khoản thị trường cũng được duy trì với giá trị giao dịch bình quân đạt 23.320 tỷ đồng/phiên (+8,96% so với tuần trước đó), nổi bật với phiên thứ năm đạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Về tổng thể mức tăng giảm của các nhóm ngành, thị trường ghi nhận sự phục hồi toàn diện với 16/21 nhóm ngành tăng điểm, dẫn đầu bởi Cảng biển (+4,6%), Chứng khoán (+3,94%) và Công nghệ viễn thông (+3,01%). Nhóm tài chính - ngân hàng tiếp tục là trụ cột vững chắc với VIX (+13,91%), ACB (+3,04%), NVB kịch trần (+15,12%) tính chung cả tuần, trong khi đại diện nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, mã cổ phiếu FPT bứt phá ấn tượng +3,81%, đóng góp hơn 1,6 điểm cho thị trường. Dù có áp lực điều chỉnh ở Thực phẩm tiêu dùng (-1,59%), Dệt may (-1,54%) và Bất động sản (-1,23%), nhưng sự lan tỏa sắc xanh trên diện rộng đã vẽ nên một tuần giao dịch đầy lạc quan.
Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7 chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của khối ngoại với giá trị mua ròng cả tuần đạt kỷ lục +5.168,5 tỷ đồng, đánh dấu sự thay đổi thái độ hoàn toàn so với những giai đoạn trước. Kể riêng từ ngày 1/7, khối ngoại tập trung mua ròng trên sàn HoSE với các lựa chọn chiến lược như SSI (+629,80 tỷ đồng), FPT (+530,37 tỷ đồng), MWG (+478,05 tỷ đồng), ACB (+316,35 tỷ đồng)… - những cổ phiếu đại diện cho ngành công nghệ, tài chính và bán lẻ có triển vọng tăng trưởng bền vững.
Đồng thời, họ thực hiện chốt lời có chọn lọc tại VJC (-380,08 tỷ đồng), HDB (-138,25 tỷ đồng), PVS (-108,30 tỷ đồng), VHM (-105 tỷ đồng)... Sự kiên định mua ròng liên tục cho thấy niềm tin mới của nhà đầu tư quốc tế vào triển vọng thị trường Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kỳ vọng nâng hạng thị trường và những cải cách tích cực trong chính sách kinh tế. Dòng vốn ngoại mạnh mẽ này đã góp phần quan trọng đẩy VN-Index lên mức cao nhất trong hơn 3 năm, tạo nền tảng vững chắc cho đà tăng trưởng tiếp theo trong quý III/2025.
Diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua cho thấy sự phân hóa rõ rệt với 22/27 mã tăng điểm và chỉ 5 mã giảm nhẹ. NVB bứt phá ấn tượng với mức tăng 15,12%, trở thành ngôi sao sáng nhất của nhóm, theo sau là HDB (+3,4%) và OCB (+3,37%). Các ngân hàng lớn như VCB (+2,99%), TCB (+2,92%), MBB (+1,17%) cũng ghi nhận mức tăng tích cực, thể hiện sự đồng thuận của nhà đầu tư với triển vọng ngành. Điểm đáng chú ý là chỉ có 5 cổ phiếu giảm điểm với mức giảm khiêm tốn từ 0,78% đến 2,78%, cho thấy áp lực bán yếu.
Điểm danh các cổ phiếu có mặt trong danh mục TOP mua ròng của khối ngoại dẫn đầu là cổ phiếu ACB (+269,8 tỷ đồng), tiếp theo CTG (+230,1 tỷ đồng) và HDB (216,1 tỷ đồng). Các ngân hàng lớn như VCB (+98 tỷ đồng), EIB (+92,5 tỷ đồng), STB (+80 tỷ đồng), VPB (+60,6 tỷ đồng), SHB (+42,6 tỷ đồng), MSB (+40,7 tỷ đồng) cũng nhận dòng tiền tích cực từ khối ngoại. Chỉ có 6 mã bị bán ròng nhẹ với BID chịu áp lực lớn nhất (-57,4 tỷ đồng), OCB (-4,1 tỷ đồng), TPB (-2,5 tỷ đồng), MBB (-1,3 tỷ đồng), TCB (-1,2 tỷ đồng). Ngay tại phiên kết tuần, các cổ phiếu ngân hàng được gom mạnh gồm MBB (+84,89 tỷ đồng), VCB (+54,84 tỷ đồng), TCB (+32,82 tỷ đồng), HPG (+32,79 tỷ đồng), VPB (+30,25 tỷ đồng), cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư.
Hai mã cổ phiếu sáng giá
Thời gian qua, thị trường chứng khoán nói chung còn gặp nhiều khó khăn bởi các diễn biến vĩ mô từ quốc tế lẫn trong nước, dòng tiền thường tập trung trú ẩn vào các nhóm cổ phiếu có độ an toàn cao đặc biệt là nhóm ngân hàng.
Cụ thể, kể từ khi thị trường chính thức tạo đáy dài hạn từ tháng 11/2022, mặc dù Vnindex đã có nhịp phục hồi đáng kể tăng ~ 60% trong gần 3 năm nhưng phần lớn các nhóm cổ phiếu vẫn đang “ì ạch” ở vùng đáy. Sự đột phá xuất hiện ở nhóm ngân hàng khi đã có nhiều cổ phiếu vượt đỉnh cao nhất năm 2021- 2022 và tiếp tục xác lập những kỳ tích mới. Hiệu suất sinh lời của các cổ phiếu này cực kỳ đáng nể, điển hình: LPB (+ 549%); TCB (+ 277%); MBB (+168,8%); HDB (+161,4%); CTG (+142,4%)...
Trong bối cảnh tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm cả nước đạt 7,52%, mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm qua và mùa Báo cáo kết quả kinh doanh quý II cận kề, sự lạc quan đang đổ dồn đến nhóm Bank, nhóm ngành xương sống của nền kinh tế.
Sau đây là hai cổ phiếu rất đáng quan tâm trong tuần tới:
HDB:
HDBank (HDB) là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cực kỳ ấn tượng trong nhiều năm qua. Kể từ năm 2018 đến nay, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình kép (CAGR) đạt 28,7%/năm, gấp 1,7 lần mức tăng trưởng chung của ngành ngân hàng.
Để đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng, HDBank đã tập trung mũi nhọn vào phát triển ngân hàng bán lẻ và tài chính tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất (theo Thông tư 11) chỉ 1,48% thuộc top những ngân hàng có nợ xấu thấp nhất toàn ngành.
Với mức P/E hiện tại khoảng 5 lần và với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2025 của ngân hàng đạt 21.179 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2024 (Quý 1/2025, con số lợi nhuận thực hiện được là 5.355 tỷ đồng đạt 25,2% mục tiêu cả năm) thì dư địa tăng giá đối với cổ phiếu HDBank sẽ còn rất lớn.
Phân tích kỹ thuật:
Vùng mua khuyến nghị: 22.000 VND - 23.000 VND/cổ phiếu
Mục tiêu giá: (Sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật Fibonacci Extension):
Mục tiêu giá trong 3 tháng: 31.000 VND/cổ phiếu tương ứng với mức Fibo Ext 161,8%
Tỷ suất sinh lời kỳ vọng: 35%
SHB:
Tương tự như HDBank, SHB cũng là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt trong những năm 2021, 2022 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng có mức tăng đột biến lần lượt 91,5% và 54,8% so với cùng kỳ. Năm 2025, với tham vọng bứt phá trong kỷ nguyên mới, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước; tăng trưởng tín dụng ở mức 16%. Thực tế cho thấy, quý 1/2025, ngân hàng đã thực hiện được 4.371 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 30% kế hoạch đề ra; dự nợ tín dụng trong quý đầu tiên đã đạt mức tăng 7%, cao hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng 3,93% của toàn ngành. Các số liệu cho thấy SHB đủ khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đề ra trong năm nay. Hiện tại với mức P/E 5,14 lần, SHB được đánh giá là cổ phiếu có mức giá đầu tư rất hấp dẫn với cơ hội sinh lời cao trong trung và dài hạn.
Phân tích kỹ thuật:
Vùng mua khuyến nghị: 12.500 VND - 13.500 VND/cổ phiếu
Mục tiêu giá: (Sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật Fibonacci Extension):
Mục tiêu giá trong 3 tháng: 19.000 VND/cổ phiếu tương ứng với mức Fibo Ext 161,8%
Tỷ suất sinh lời kỳ vọng: 45%
>> Mã cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng hơn 8%
Mã cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng hơn 8%
Mã cổ phiếu ngân hàng Big5 'cất cánh' được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng gần 21%